Làng Yút gắng gượng vượt thiếu thốn giai đoạn giáp hạt

(PLVN) - Cùng với việc chia sẻ về vật chất, bà con xã Ia Phí còn tích cực chia sẻ những thông tin tìm kiếm việc làm ở trong và ngoài tỉnh, đổi công cho nhau chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, không để nương rẫy hoang hóa.
Ông Rơ Châm Ril (người thứ hai bên trái) đang làm cỏ mì cùng hàng xóm gần làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai
Ông Rơ Châm Ril (người thứ hai bên trái) đang làm cỏ mì cùng hàng xóm gần làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

"Dù đã áp dụng nhiều giải pháp, nhưng những năm gần đây giá cả nông sản xuống quá thấp, làm ăn thất bát, cộng với thiếu đất sản xuất nên đời sống của một số hộ đồng bào đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Xin mời các anh xuống các làng người Jrai, nhất là ba làng ở lòng hồ Ia Ly là biết ngay sự việc...", ông Đinh Duy Nguyên - Chủ tịch UBND xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết.

Cả làng không có hộ khá giả

Theo tuyến đường liên làng Kte – Pep – Óp - Kênh, chúng tôi tìm đến làng Yút, xã Ia Phí. Làng nằm cách quốc lộ 14 khoảng 20km, cách trụ sở UBND xã Ia Phí khoảng 15km về phía Bắc (nơi giáp ranh với xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Bà con làng Yút thường xuyên qua lại giao lưu, học hỏi, trao đổi, buôn bán hàng hóa với người dân tỉnh Kon Tum. 

"Cả làng hiện có 129 hộ, 492 người Jrai thì đã có khoảng 20 hộ thuộc diện đói nhiều, 80 hộ nghèo và cận nghèo, còn lại là những hộ có mức sống trung bình ở vùng sâu, vùng xa, không có hộ nào khá giả đâu. Nay đang là thời điểm giáp hạt, cây lúa, cây bắp, cây mì (sắn) đều chưa cho thu hoạch, rất ít người thuê  làm việc phổ thông nên dân làng mình thêm nhiều khó khăn...", ông Rơ Châm Kiểu, Thôn trưởng làng Yút, cho hay.

Theo sự hướng dẫn của Thôn trưởng, chúng tôi đội mưa rong ruổi đi thăm hỏi dân làng Yút. Tại đây, chúng tôi đã tận thấy nhà nào cũng giống nhau về màu sắc, kiểu cách, không gian xây dựng và không thấy ai khóa cửa cổng, cửa nhà. Thôn trưởng Rơ Châm Kiểu giải thích: "Để làm thủy điện Ia Ly, Nhà nước đã đầu tư làm hàng loạt nhà xây lợp ngói cùng một kiểu, rồi vận động bà con làng Yút đến ở vào năm 1991. Từ đó đến nay, nhiều nhà đã bị hư hỏng nặng, nhưng bà con vẫn phải ở vậy, vì không có tiền sửa chữa lại. Do không có gì đáng giá đồng tiền bát gạo nên bà con không khóa cửa cổng, cửa nhà...".

Vào thăm nhà ông Rơ Châm Bol ở giữa làng Yút, chúng tôi thật ái ngại khi tận thấy trong nhà không có vật gì đáng giá. "Nhà này không ngăn được gió mưa, không có vô tuyến, không có lúa gạo nhiều. Ở trong nhà thấy rõ mây trời, trăng sao nên nhiều người nói là “nhà ở muôn sao” đó. Còn các loại rau, nấm, măng là do mình mới đi kiếm về làm bữa tối...", chủ nhà Rơ Châm Bol buồn buồn nói. 

Nghe vậy, Thôn trưởng Rơ Châm Kiểu thông tin thêm: "Làng này có nhiều nhà dột nát và khổ như hộ ông Bol. Ông Bol có tới chín người con, quanh năm phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Nay mùa màng thất bát, giá cả xuống thấp quá chừng, rất hiếm người đến thuê lao động nên gia đình càng khó khăn".

Trung tâm xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai
Trung tâm xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Tăng cường chia sẻ, xóa đói giảm nghèo

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xã Ia Phí đã tăng cường vận động nhân dân chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, phân công cán bộ, công chức hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nghèo làm ăn, phổ biến những kiến thức pháp luật, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Từ đầu năm 2019 đến nay, xã Ia Phí đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Chư Păh giải ngân gần 4,5 tỷ đồng cho 133 hộ vay vốn. Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện này đã cho tổng cộng 986 hộ ở xã vay vốn, với tổng dư nợ hơn 30 tỷ đồng. "Gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ ngân hàng CSXH. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm công ăn việc làm, không phải đi vay nặng lãi ở bên ngoài. Nay giáp hạt nên chúng tôi mới phải bán con lợn lấy hơn 5 triệu đồng để mua gạo, muối, nắm để dùng và chia sẻ cho bà con người Jrai ở trong xã...", bà Trương Thị Út (vợ ông Rơ Châm Gret, ở làng Kte), cho hay.

Cùng với việc chia sẻ về vật chất, bà con xã Ia Phí còn tích cực chia sẻ những thông tin tìm kiếm việc làm ở trong và ngoài tỉnh, đổi công cho nhau chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, không để nương rẫy hoang hóa. Anh Rơ Châm Bih, ở làng Yút bộc bạch: "Mình có nhiều bạn cùng đi làm thuê với nhau. Khi nào có việc làm thuê nhiều, mình gọi điện thoại rủ các anh em cùng đi làm, cùng kiếm trung bình 130 ngàn đồng/ngày công, không ở không uống rượu đâu". 

Còn ông Rơ Châm Ril, ở làng Kép thì cởi mở: "Mình đi làm công nhân cao su được ít cái tiền, nhưng còn hơn nhiều người không có. Ngoài tiền lương hàng tháng, mình còn có nương rẫy nên mình cho bớt công ăn việc làm cho bà con trong làng. Xưa nay, bà con người đồng bào cũng làm theo lời Bác Hồ dạy, là sướng khổ, sống chết có nhau mà".

Năm nay, 17 hộ dân người Jrai, ở làng Óp, xã Ia Phí vui mừng nhận lại 42,8 ha đất đồi do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Ly (Chư Păh, Gia Lai) giao trả đầy đủ để tăng gia sản suất, không sang nhượng đất cho người khác, góp phần giải quyết công ăn việc làm. Trước đó, vào năm 2010, dưới sự xác nhận của UBND xã Ia Phí, 17 hộ dân nêu trên đã tự nguyện cho Ban QLRPH Ia Ly mượn số diện tích đất kể trên để trồng cây tràm, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, lấy gỗ và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đến đầu năm 2019, cây tràm đã cho thu hoạch, bà con tách thêm nhiều hộ mới, có nhu cầu lấy lại đất để sử dụng nên yêu cầu Ban QLRPH Ia Ly trả lại đất và đã được thực hiện như cam kết ban đầu.

Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, cho biết: "Trong dịp Tết Nguyên đán 2019 và thời gian giáp hạt, huyện Chư Păh đã tiếp nhận và tổ chức cấp phát đúng quy định hơn 110 tấn gạo của Chính phủ cho gần 2.000 hộ dân thuộc diện hộ đói nghèo, trong đó có rất nhiều hộ ở xã Ia Phí. Nay còn tình trạng thiếu đói giáp hạt, huyện sẽ tổ chức đi rà soát lại và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp cứu đói cho bà con...".

Đọc thêm