Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, cơ quan, các hộ tiêu thụ lớn về thịt để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt lợn nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi trên địa bàn.
Về lâu dài, Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có các giải pháp tổng thể để hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chăn nuôi hiệu quả, bền vững, trong đó tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩ chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh các cơ sở chăn nuôi công nghiệp đảm bảo phù hợp; tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu của thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu và tiêu thụ thịt lợn; làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến có đủ năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua, giết mổ cấp đông thịt lợn trong thời gian tới; rà soát các khâu nhằm giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và vùng sản xuất, tăng cường công tác thu mua, chế biến, cấp đông.
Bên cạnh đó cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng thiêu thụ thịt lợn với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định đảm bảo thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý. Đồng thời đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng và hộ kinh doanh, các chợ trên địa bàn hạ giá bán các loại thịt lợn để kích cầu tiêu dùng ở mức cao nhất, tăng giá mua đầu vào để giúp giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi lợn.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn bằng những việc làm cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi các đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn tiêu thụ thịt lợn giúp người chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông trên thị trường được tốt, đồng thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.