Tại buổi đối thoại, nhiều công nhân và đại diện các công đoàn cơ sở tại các Khu công nghiệp lớn của Hải Phòng như Đình Vũ, Vship, Tràng Duệ đã nêu hơn 30 kiến nghị tới người đứng đầu chính quyền TP, câu hỏi liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động.
Các câu hỏi tập trung chủ yếu vào vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân với giá thành thấp; nhiều doanh nghiệp “trốn” đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân; an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập; việc bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông nói chung và công nhân, người lao động nói riêng trên các trục đường đang được thi công tại các khu công nghiệp Đình Vũ, Vship, Tràng Duệ; định hướng việc xây dựng các công trình phụ trợ như nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, mua sắm… tại các khu vực đông công nhân sinh sống chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu.
Nhà máy sản xuất của Công ty LG tại KCN Tràng Duệ, Hải Phòng |
Theo số liệu báo cáo, hiện trên địa bàn TP Hải Phòng có gần 250.000 công nhân, viên chức, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn do Liên đoàn Lao động TP quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành ủy Hải Phòng, từ đầu năm 2017 đến nay, Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức lao động như: Thành lập mới 33 công đoàn cơ sở, kết nạp 5.200 đoàn viên, tổ chức khai mạc Tuần văn hóa thể thao, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 28 nhà mái ấm công đoàn, tặng 500 suất quà và hỗ trợ 88 công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng.
Cũng tại buổi đối thoại, Liên đoàn Lao động TP có ba kiến nghị với Thành ủy, UBND TP Hải Phòng, đó là các vấn đề về tiền lương của người lao động còn thấp so với nhu cầu sinh hoạt; điều kiện làm việc của người lao động tại nhiều doanh nghiệp không đảm bảo, còn ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn; đời sống của người lao động tại các Khu công nghiệp còn thiếu các thiết chế văn hóa, điểm sinh hoạt tập thể, nhà trẻ đi kèm.
Sau khi lắng nghe các câu hỏi của công nhân lao động, chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đã phân công lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trả lời và trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc của công nhân, viên chức, người lao động.
Liên quan đến tuyến đường 356 đi qua Khu công nghiệp Đình Vũ, đại diện Sở xây dựng cho biết, theo kế hoạch dự án hoàn thành vào cuối năm 2017, đơn vị thi công đang nỗ lực rút ngắn thời gian thi công để kịp đưa vào sử dụng dịp 2/9 để người lao động đi lại an toàn.
Với các tuyến đường xuống cấp, thiếu hụt biển báo giao thông và hệ thống đèn sẽ được cơ quan chức năng bổ sung kịp thời. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp chấn chỉnh hiện tượng hàng quán bày bán trước cổng các khu công nghiệp, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với các kiến nghị liên quan đến nhà ở dành cho công nhân, công trình phúc lợi dành cho người lao động trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, TP sẽ tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng để Liên đoàn lao động TP và các bên liên quan sớm triển khai trong năm 2017, 2018 tại Khu công nghiệp Tràng Duệ và Nomura.
Chủ tịch UBND TP cũng giao ngành Y tế kiểm tra, giám sát vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể bảo đảm sức khỏe của người lao động, đồng thời nghiên cứu thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù với cán bộ cơ sở y tế ngoài công lập theo kiến nghị của công nhân viên chức, người lao động ngành y tế.