Người ta vẫn gọi bà là bà lão vẽ tranh, dù người họa sỹ tài năng này không được đào tạo cơ bản. Bà khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
|
Bà lão họa sỹ tài năng và nghị lực |
Tự học ở tuổi 94
Khi tôi đến, trên giá vẽ của “lão họa sĩ” Lê Thi (quê gốc Thanh Hóa, hiện sống tại phố Xa La quận Hà Đông, HN) đang vẽ dở dang bức tranh mô tả người công nhân ngồi nghỉ mệt sau giờ làm. Thấy tôi chăm chú nhìn, bà vừa ngoáy trầu vừa thủng thẳng: “Ở trường mỹ thuật, bao giờ người ta cũng dạy vẽ người trước, phong cảnh sau, nhưng bà thì ngược lại, gần hai chục năm vẽ phong cảnh rồi giờ mới tập vẽ người. Lại có điều mới để học, để mày mò, nghiền ngẫm cũng thú lắm cháu ạ ”.
Với nhiều người, khi đã bước qua tuổi 40 – đỉnh dốc cuộc đời – cái sự học nghe chừng mỏi mệt và ngại ngần. Thế nhưng, với bà lão Lê Thi 92 tuổi, lưng còng, tóc bạc, miệng móm mém thì lại không thế. Sinh ra trong một gia đình đông con ở Thanh Hóa, bà cũng như các chị em gái của mình không được đi học nhưng chỉ bằng cách mày mò tự học, cả 8 chị em bà đều biết chữ.
Cha bà là ông cử rất mê văn chương nên nhà có nhiều sách; mỗi khi cha không để ý, bà lại lấy sách, báo đọc trộm. Vớ cái gì đọc cái nấy, từ Phong Hóa, Thời nay, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy... đến truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của các tác giả Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ... Cùng với mê đọc, cô bé Thi ngày ấy cũng mê luôn cả vẽ. Cô vẽ bất cứ khi nào rảnh rỗi, ở bất cứ đâu, lấy que vẽ xuống đất, lấy than vẽ lên tường… nhiều đến nỗi thường xuyên bị cha mẹ la mắng.
Những năm tháng tuổi trẻ qua đi, tuổi già ập đến, “giấc mơ vẽ” của bà những tưởng đã ngủ yên sau chồng chất lo toan đời thường của một người phụ nữ cho chồng con nếu như không có món quà mà con trai bà đi nước ngoài gửi về cho con gái, tức cháu gái bà ngày ấy.
“Năm 1982, người con trai duy nhất của bà đi công tác nước ngoài gửi về cho con gái hộp màu vẽ và sách hướng dẫn vẽ tranh” – bà kể - “Cầm những thứ đó trên tay, người bà bỗng dưng run nhẹ vì ước mơ xưa hiện về”.
Thế là hai bà cháu cùng vẽ, cùng học. Bà vừa dạy cháu vẽ những hình khối cơ bản vừa tìm hiểu về lĩnh vực hội họa bằng cách đọc say mê những sách hướng dẫn vẽ tranh của cháu. Đến khi ngồi dạy cháu học bài, để bài học thêm sinh động, dễ hiểu, mỗi khi dạy đến một chữ cái nào đó, bà thường vẽ hình minh họa. Giờ đây, bà vẫn giữ được quyển sổ dạy cháu học từ cách đây hơn hai chục năm; còn cô cháu gái ngày ấy giờ đã là bác sĩ Khoa Sản của Bệnh viện 103 và đã sinh chắt cho bà.
“Vẽ không khó đâu cháu ạ”
Năm 1994, bà Lê Thi bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên của mình sau một thời gian tự học rất đặc biệt bằng cách chép lại hơn 30 bức tranh của Lêvitan – một danh họa bà yêu mến. Khi biết tôi rất thích vẽ nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình có thể cầm cọ, bà nói: “Vẽ không khó đâu cháu ạ. Miễn là cháu thích vẽ, có đôi tay mềm mại và cặp mắt biết cảm nhận”.
Ba năm sau khi bà Lê Thi bắt đầu “nghiệp vẽ”, năm 1997, thông tin về một cụ bà bỗng dưng “tài năng hội họa phát lộ” đã bay đến với Vụ Mỹ thuật - Bộ Văn hóa - Thông tin lúc bấy giờ. Lãnh đạo Vụ bèn cử người đến tìm hiểu rồi ngay sau đó, đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm đến thăm, tặng bằng khen và quyết định tổ chức triển lãm tranh cho riêng bà và đó cũng là triển lãm tranh đầu tiên của họa sĩ Lê Thi.
Hơn 70 bức tranh với đề tài giản dị từ khung cảnh đàn gà bên cây khế, cảnh câu cá buổi đêm hay một màn sương bảng lảng lúc sớm mai, cánh đồng lúa vàng, bến nước quê hương, vườn cây ao cá ngay trước nhà… tại triển lãm đã khiến người xem phải sửng sốt trước những nét vẽ tài hoa, sinh động của một cụ bà chưa từng học qua một lớp hội họa nào.
Sau đó, liên tục trong các năm 1998, 1999, 2000, bà được mời tham dự các cuộc triển lãm như “Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng", “Triển lãm tranh phụ nữ quốc tế Việt – Pháp” do bà Điềm Phùng Thị tổ chức; Triển lãm Mỹ thuật người cao tuổi... Điều khiến bà hài lòng nhất là vào năm 2000, bà đã tổ chức được triển lãm tranh cá nhân riêng với tên gọi "Quê" tại Thanh Hóa với gần 80 bức tranh như là một cách để tri ân quê hương, nơi nuôi dưỡng và khơi gợi niềm cảm hứng hội họa trong bà.
Lời dặn dò hóm hỉnh
Khi tôi đưa biếu bà tờ báo, bà hỏi ngay báo này có trên mạng không và yêu cầu tôi cho địa chỉ mạng. Chỉ một lúc sau, trên chiếc laptop của bà đã thấy xuất hiện trang báo Pháp luật Việt Nam online. Thấy cậu bạn đi cùng tôi nhìn sững, bà cười móm mém giải thích: Năm 2007, tức là khi đã 87 tuổi, bà có ý định viết tiểu thuyết nhưng tay thì run, tài liệu lại nhòe. Viết tay mà nhờ con cháu thì bất tiện. Thấy các cháu đánh máy nhoay nhoáy, bà hỏi: "Giờ bà học có được không?". Cháu gái bà bảo được. Thế là bà bắt tay vào học.
Cuốn tiểu thuyết "Ngược dòng" dày hơn 600 trang xuất bản năm 2009 do NXB Lao động phát hành lấy bối cảnh lịch sử những biến động đổi thay của đất nước trên mảnh đất xứ Thanh từ trước Cách mạng tháng 8 đến năm 1954 hoàn toàn do một tay bà đánh máy.
Người con dâu của bà kể, để hoàn thành cuối tiểu thuyết này, bà toàn thức đêm sáng tác khiến cho con cháu lắm lúc sốt ruột vì lo cho sức khỏe của bà. “Ấy cái tính bà nó thế đấy cháu ạ, học gì cũng học thật, làm gì cũng làm thật chứ không thể học cho biết, làm chơi. Khi vẽ tranh bà định đề tài gì bà phải vẽ cho bằng ra nên gia tài tranh của bà rất là nhiều nhé” – bà Lê Thi khoát tay chỉ những bức tranh treo kín mấy khuôn tường và hai chiếc tủ sắt to tướng góc nhà.
Thấy tôi chăm chú đọc mấy trang đầu cuốn “Ngược dòng”, bà lão vẽ tranh Lê Thi bèn chuyển sang nói chuyện về sách, về các nhà văn. Điều đáng ngạc nhiên là bà kể vanh vách một loạt các tác phẩm mới của các nhà văn đã có tên tuổi lẫn các tác phẩm văn học mạng của những người viết trẻ. Hết thảy bà đều đã đọc.
“Bà có đứa chắt gái vừa sinh con được mấy tháng. Một hôm bà hỏi con em nó: Chị Nhung đang làm gì? Con bé trả lời: Chị Nhung đang bế bé con bà ạ. Lúc sau bà lại hỏi câu ấy với một bà đến giúp ở nhà, mà bà này vốn không ưa cái Nhung. Bà ấy liền nói: Cái Nhung nó đang ngồi dạng háng bế con. Đấy cháu thấy chưa, khi con người ta không kiểm soát được tình cảm của mình thì lời nói sẽ trở nên thô thiển, khó nghe.
Văn chương cũng thế. Đọc càng nhiều bà càng thấy buồn vì ngày nay có nhiều người mượn văn chương để thỏa mãn sự bất mãn cá nhân với cuộc sống, với đồng nghiệp, xã hội mà không hiểu rằng làm như vậy chính họ đã tự tay giết đi sứ mệnh thiêng liêng của văn học. Hội họa cũng vậy, đã biết cầm cọ vẽ trên tay thì cũng phải biết trân trọng những điều đẹp đẽ…”, bà nói.
Hoa Tùng Anh