Nghệ sĩ ưu tú Kim Đức đến Hải Phòng với tư cách một nghệ nhân đặc biệt tham gia Liên hoan nghệ thuật dân gian Hải Phòng năm 2010 “Còn mãi với thời gian” do Hội Văn nghệ Dân gian thành phố tổ chức. Ở tuổi 85, bà khiến khán giả bất ngờ về phong cách tao nhã và giọng ca trù rất trẻ.
Trên sân khấu Nhà hát thành phố, bà biểu diễn mở màn tiết mục Múa hát dâng hương và Hát lót cửa đình. Theo đúng lề lối xưa, “lão ca nương” này đứng cầm phách, bắt đầu nhả hơi, nảy hạt những chữ, những câu thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn đến các vị tiên liệt có công xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt ca ngợi người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo: “Gương anh hùng chạc chạc thuyết siêu linh thần võ/ Tiếng anh hùng thiên cổ chấn Nam bang/ Đường chiến tranh trải mấy cuộc tang thương/ Lòng chí khí vẫn linh lương ca bích lãm/ Ứng thanh say mộng trùng hương tướng/ Tích Bạch Đằng Giang vạn kiếm thần”. Cùng với tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu của các NSƯT Đặng Công Hưng, Đàm Quang Minh và vũ đạo của tốp học trò, Múa hát dâng hương và Hát lót cửa đình đưa đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ về không gian ca trù đặc biệt mà ở đó, tiếng phách, giọng ca trù của bà nền nảy, ngân vang như suối reo buổi sớm. Khi tiết mục kết thúc, bà nâng phách cúi chào khán giả. Tiếng vỗ tay vang lên không dứt!
Nhưng NSƯT Kim Đức còn là người có ảnh hưởng lớn đến các nghệ sĩ về làm nghệ thuật, nhất là thái độ ứng xử với nghệ thuật dân gian. Thật cảm động vừa từ xe ô tô bước xuống sau chặng đường hơn 100 cây số từ Hà Nội về Hải Phòng, bà không tìm chỗ nghỉ chân mà xin được vào ngay nhà hát để kiểm tra sân khấu. Lối trang trí mỹ thuật làm bà rất hài lòng. Nhưng bà cũng chỉ ra chỗ ngồi chưa hợp lý của người quan viên khi người này cùng ngang hàng với ca nương và nghệ nhân đàn đáy. Còn khi hát xong, bà lùi vào cánh gà, bao quát toàn bộ các học trò ra sân khấu hát Thét nhạc, hài lòng khi thấy ca nương- NSƯT Thanh Bình, nghệ nhân đàn đáy -NSND Xuân Hoạch, trống chầu Quang Minh nắt nót đến từng chi tiết trang phục, trong kỹ thuật thể hiện tiết mục này. Bà tinh tường như vậy bởi bà vốn dày dạn với sân khấu và trên hết còn là một ca nương “con nhà nòi” có ảnh hưởng lớn từ cụ thân sinh ra bà – một quản ca của giáo phường ca trù Khâm Thiên Hà Nội những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Không giống như nhiều giai nhân xưa tay trắng và cô đơn sau những thăng trầm nghề nghiệp, bà Kim Đức sở hữu một giọng ca trù đặc biệt cùng với khả năng trình diễn điêu luyện của một nghệ sĩ hát chèo từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam . Tiếng hát và nhịp phách ca trù của bà được tôn vinh trên rất nhiều sân khấu trong nước và quôc tế. Do vậy, ở bà có sức “chiêu hiền đãi sĩ”. Chả thế mà khi thấy bà mở ra Địa chỉ văn hóa truyền dạy ca trù, nhiều nghệ sĩ, nhạc công bên chèo đất Thủ đô cũng nhất tâm “ theo cô Đức”. Không một học trò nào lại không nghe bà - lão ca nương vừa có sự nghiêm túc của người thầy, vừa có sự bao dung của người nghệ sĩ. Ngay ở Liên hoan nghệ thuật dân gian Hải Phòng, cũng có khán giả có nguyện vọng muốn được nghe NSƯT Thanh Bình hát thêm một làn điệu chèo sau khi chị hát ca trù.. NSƯT Thanh Bình đã xin phép bà Kim Đức. Nhưng bà bảo xin khất để một dịp khác. Vì với bà, biểu diễn thật tốt ca trù tham gia liên hoan là quan trọng nhất. Còn giọng hát chèo dù có hay cũng phải tập, không “tiện thể mà hát” mà làm mất đi tính nghiêm túc của người nghệ sĩ..
Tận mắt chứng kiến tài năng tiếp thu ca trù của các thế hệ ca nương, kép đàn đất Cảng như Đỗ Quyên, Ngọc Diệp, Thu Hằng, Hải Phượng, Hoang Khoa, Tô Tuyên… trong CLB Ca trù Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng, NSƯT Kim Đức không giấu những giọt nước mắt mừng vui. Sự chia sẻ, động viên, khích lệ thế hệ trẻ với ca trù của bà càng làm đẹp thêm hình ảnh NSƯT Kim Đức- một “lão ca nương” được ví là “tài sản quốc gia” sau cố NSND Quách Thị Hồ.
Anh Thơ