Lão mù “thoát chết” kỳ diệu sau những ngày khai phá bãi mìn trồng tiêu

Cuộc đời ông Nguyễn Hiển Hòa (còn có tên Nguyễn Hòa, 68 tuổi, ngụ Đội 6, thôn Tân Bình, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) thì có “ngồi cả ngày cũng không kể hết chuyện” vì 63 năm nay sống trong bóng tối nhưng vẫn có thể thực hiện mọi sinh hoạt như người sáng mắt; riêng chuyện ông vác cuốc ra khai… bãi mìn thì ai nghe cũng sợ “lè lưỡi trợn mắt”: “Người sáng mắt lỡ vưỡng bãi bom còn mất mạng, vậy mà ông liều lĩnh thiệt…”.

Cuộc đời ông Nguyễn Hiển Hòa (còn có tên Nguyễn Hòa, 68 tuổi, ngụ Đội 6, thôn Tân Bình, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) thì có “ngồi cả ngày cũng không kể hết chuyện” vì 63 năm nay sống trong bóng tối nhưng vẫn có thể thực hiện mọi sinh hoạt như người sáng mắt; riêng chuyện ông vác cuốc ra khai… bãi mìn thì ai nghe cũng sợ “lè lưỡi trợn mắt”: “Người sáng mắt lỡ vưỡng bãi bpm còn mất mạng, vậy mà ông liều lĩnh thiệt…”.

Ông Nguyễn Hiền Hòa
Ông Nguyễn Hiền Hòa

Đùa với tử thần

Tài lẻ đi lại trong bóng tối chỉ là “chuyện vặt” bởi thời gian mới bị mù, ông đã mày mò tập thực hiện mọi sinh hoạt cá nhân: “Người ta dùng mắt nhìn còn mình dùng tay sờ để cảm nhận không gian xung quanh. Chẳng hạn như đường ra nhà vệ sinh có bảy cây chuối, hai cây tiêu. Sang nhà hàng xóm thì ra ngõ rẽ phải, đi qua năm cổng nhà sẽ tới. Cứ thế vừa đi vừa đếm tôi đã đi hết tất cả mọi nhà trong xã Vĩnh Hiền này”.

Để minh chứng cho khả năng của mình, ông chậm rãi dẫn khách ra sân ngắm vườn, vừa đi vừa nhẩm miệng đếm số bước chân rồi quẹo trái, rẽ phải một cách thuần thục. Thi thoảng ông lại nhấc hắn chân bước qua tấm lưới chắn đàn gà cứ như thể “nhìn” thấy mọi thứ. Thắc mắc thì giải thích: “Tôi thuộc đường hết cả, muốn đi đâu chỉ cần lục tìm trí nhớ là hình dung được lịch trình nơi cần đến”.

Bí kíp để nhớ đường đi chính xác như lời ông nói chẳng có gì khó khăn ngoài tính cẩn thận, cần cù; trên lối đi chỉ cần nắm vững một vài đặc điểm “làm dấu” như chiếc cột nhà, trụ điện hay gốc cây rồi theo đó “xẻ nhỏ” lịch trình thành các đoạn đường nhỏ sẽ giúp người khiếm thị đi lại dễ dàng.

Để có thể “tự thân vận động” như hôm nay, không biết ông đã “lãnh đủ” bao nhiêu lần: “Có lần tui đi nhầm theo ngả rẽ ra đồng, đến khi dưới chân bì bõm nước mới hay mình bị nhầm đường, phải kêu mãi mới có người đi ngang qua dắt lên”. Không nản chí ông dùng gậy tre để dò đường, dần dần ông vứt chiếc gậy đi tay không với một lòng quyết tâm cao độ: “Tay cầm gậy thì cuốc thuổng để ở đâu, trai tráng mà đến việc đi lại cũng nhờ vả thì sống ở đời còn nghĩa lí gì nữa”.

Quan niệm đó mới dẫn đến việc hai hecta tiêu do một tay ông đào hố, làm giàn. Ngày đó hội nông dân xã mở lớp phổ biến kiến thức trồng tiêu, cao su phủ đất trống đồi trọc, ông rảnh rỗi nên cũng muốn thử sức xem sao, không ngờ giờ nó là “cần câu cơm” của cả nhà.

Ông luôn nhớ và nhắc mãi với con cái rằng để có được mảnh đất trồng tiêu ấy ông phải quần quật mấy tháng ròng mới cải tạo xong đám đất hoang vốn là bãi mìn chôn giấu biết bao kí ức đau thương thời chiến tranh trở thành vườn cây vuông vức. Mỗi nhát cuốc thả xuống là một lần người đàn ông mù lòa đùa với tử thần.

“Hễ nghe tiếng “keng” tức biết ngay cuốc trúng bom bi còn sót lại. Có lẽ ông trời thương tình nên không có quả bom nào phát nổ. Mỗi ngày tôi ném bỏ hàng chục quả mìn như thế, cứ như nhặt củ khoai, củ sắn vậy. Biết rằng nguy hiểm đấy nhưng không làm không được”, ông kể lại. Ngay “kiểu cách” ông làm vườn cũng đủ khiến người ta khâm phục: Lấy bước chân làm thước đo, cây sào giống hàng lối và chiếc dùi tre làm mốc. “Cứ bước hai bước chân một lần cắm dùi đào hố, đào xong hố này lại nhổ dùi tre bước tiến theo cây sào cắm dùi đào hố tiếp theo”, hai hecta tiêu đã được ông vun trồng như vậy.

Trồng cây đã khó, công đoạn chăm sóc khó gấp bộn phần, ông tâm sự đời mình nợ xóm giềng không biết bao nhiêu lần “nhìn giúp”. Cũng dễ hiểu bởi không nhìn thấy nên lão thường nhờ người khác lúc nào đó tiện đường thì ghé mắt xem cây nhà ông có sâu bọ gì không. Dù vậy lão “bật mí” mình có khả năng theo dõi sự phát triển của cây trồng qua tiếng gió. “Tiếng gió xào xạc chứng tỏ cây xanh tốt, cây tốt lá mới nhiều, lá nhiều tất phát ra tiếng kêu lớn khi gió thổi ”, lão suy luận đơn giản.

Ông Hòa và con trai
Ông Hòa và con trai

Người tật nguyền hạnh phúc bậc nhất Việt Nam

Thiệt thòi vì tật nguyền, thế nhưng ông Hòa bộc bạch chưa bao giờ cảm thấy tủi nhục, thiệt thòi vì quan niệm đó là “mệnh trời”, người tật nguyền phải xem đó như một thử thách, giữ gìn tâm hồn thoải mái để sống tốt, sống đẹp thay vì oán thán, trách móc. Lão giải thích vì lẽ đó mà cuộc đời ông không nhiều lắm những kỉ niệm buồn ngoài lần nhà mình cháy mà ông cứ ngỡ “trời đang mưa” cách đây bốn thập kỉ.

“Hôm đó vừa sang nhà hàng xóm trở về thì tôi nghe tiếng “đốp” “đốp” liên hồi quanh khu vực nhà mình. Lúc đầu nghĩ trời mưa rào nhưng lạ rằng rằng không có gió, không giọt nước ướt tay. Tôi liền sờ tay lên cửa nhà mới hay lửa đang cháy bùng bùng, biết đó nhưng không thể làm gì được chú à”, ông rưng rưng nước mắt mỗi lần nhắc lại.

“Cơn mưa lửa” ngày đó đã cướp đi niềm vui nhỏ nhoi duy nhất của đời ông:  Bộ đàn bầu, chiếc kèn acmonica. Nghe đến đây khách bất ngờ khám phá thêm một bí mật: Ông vốn là cây văn nghệ có tiếng chuyên phục vụ bà con, chiến sĩ cách mạng thời chồng Mỹ “Tiếng hát át tiếng bom”.

Ông tài đến mức học đàn duy nhất một buổi đã có thể chơi tốt. Hễ nghe ai thổi kèn, chơi đàn điệu gì ông đều nhẩm thuộc ngay tại chỗ và “cướp” luôn “bản quyền” rồi tự tập luyện biến thành của riêng. “Thời đó anh em trong đoàn văn nghệ thường dùng da ếch, ống tre nứa chế đàn, nhị chứ cả đoàn 20 người không đủ nhạc cụ tập luyện”, giọng ông đầy vẻ tiếc nuối quá khứ một thời.

Vẫn chưa hết “tài lẻ”, ở thôn người dân còn phong ông là “thần y” chữa trị gân khớp. Biệt tài này được bố ông truyền lại với hy vọng tạo cho đứa con tật nguyền chiếc “cần câu cơm” những ngày tháng sau này nhưng đáng mừng là ông không dùng để kiếm cơm.

Ông giải thích đơn giản: Các khớp xương trong cơ thể người chẳng khác gì ốc vít lắp ghép tạo nên máy móc, nếu va chạm mạnh hoặc đi đứng sai tư thế sẽ dẫn đến trật khớp, lệch xương gây đau nhức, sưng tấy. Chỉ cần nắm chắc quy luật vận hành của huyệt đạo, bấm huyệt chính xác là nắn khớp, kéo xương trở lại bình thường.

Điều đặc biệt ở chỗ tuy gia cảnh bộn bề khó khăn nhưng lão nông Hòa chưa bao giờ nhận của ai đồng tiền công chữa bệnh nào. “Sống với nhau, cho nhau không hết, ai đời đi lấy tiền hàng xóm, anh em”, ông quan niệm.

Bị hỏng hai mắt từ khi 5 tuổi, tính vỏn vẹn đến nay lão đã không biết đến ánh sáng suốt quãng đời 63 năm ròng. Cái ngày mắt lão bị hỏng, lão nhớ mãi như in: “Hôm đó trời là tháng 4/1949, giặc bất ngờ ập về làng tử hình chín cán bộ cách mạng nhằm mục đích thị uy người dân tại bãi đất trống mà tôi vẫn chăn trâu mỗi ngày”. Đến lúc trời nhá nhem tối, cậu bé theo cha ra chôn cất thi thể mấy chú bộ đội, hôm sau cả cha con bị giặc bắt giam, thi được thả về thì mắt cậu bé đỏ hoe, sưng tấy, mờ dần rồi mù hẳn.

Vợ ông là phụ nữ gốc Bắc, ở tận đất Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) nhưng vì cảm phục tấm lòng tốt bụng của ông đã tình nguyện gắn kết tình duyên suốt đời không chút oán hờn. “ Đầu năm 1989 qua bạn bè xa gần tôi biết đến ông. Việc gặp gỡ giữa chúng tôi cũng được bạn bè, anh em sắp đặt cả. Thú thực lúc đầu tôi lấy ông ấy vì tình thương nhưng bây giờ hai vợ chồng yêu nhau nhiều lắm”, bà Cánh Thị Liên, vợ ông Hòa trải lòng.

Hằng ngày đi phát rẫy, hái tiêu hay làm bất cứ việc gì bà đều vừa làm vừa chỉ dẫn ông. Hai con người ấy đã gắn kết với nhau như vậy suốt 23 năm nay, cùng nhau gây dựng mái ấm ngay trên chính bãi mìn. Tài sản quý nhất của đôi vợ chồng già chính là hai thằng con trai ngoan hiền, chăm chỉ.

Đứa đầu giờ đã sinh viên đại học năm thứ ba, thằng út dù mới đặt chân vào lớp một nhưng giấy khen treo kín tường. “Dù khổ cực đến mấy tôi quyết cho các cháu học đến nơi đến chốn, chúng là niềm hy vọng, là lẽ sống của vợ chồng tôi”, ông Hòa âu yếm thằng trai út giữ vòng tay.

Mai Long

Đọc thêm