Bình tâm suy nghĩ lại mọi chuyện, ông lão cảm thấy có cái gì đó “không ổn” bởi thấy hai người đàn ông mới gặp lần đầu có vẻ gì đó gian gian, ăn nói khá “huênh hoang”, dám hứa chỉ trong vòng một tháng sẽ giải quyết xong vụ tranh chấp mà ông đã mất thời gian cả năm trời theo kiện... Ông lão quyết định báo cảnh sát.
|
Hai đối tượng lưu manh giả danh nhà báo |
Hai gã cô hồn đi tìm những người tranh chấp đất đai
Chiều 14/1/2013, ông là Trần Văn Ẩn, 60 tuổi, làm ruộng tại xã Lương Tâm, đến gặp trực ban hình sự Công an huyện Long Mỹ (Hậu Giang) tố giác bị hai người đàn ông lạ mặt có biểu hiện lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của ông bằng chiêu thức “chạy án”.
Qua nghe toàn bộ nội dung sự việc do ông Ẩn trình bày, công an nhận định sự nghi ngờ của lão nông là hoàn toàn có cơ sở. Cảnh sát đã cùng ông lão bàn bạc kỹ lưỡng, lên phương án tỉ mỉ nhằm “dụ cua chui vào giỏ”, bắt gọn những tên lừa đảo.
Đúng như dự tính, khoảng 11h ngày 15/1/2013, ông Ẩn nhận được điện thoại của hai người lạ mặt hẹn đến quán cà phê “Gà Trống” tại ấp 6, thị trấn Long Mỹ để “thực hiện hợp đồng”. Lúc này, họ không quên dặn dò ông cần mang theo số tiền như đã thỏa thuận cùng bộ hồ sơ liên quan đến miếng đất mà ông đang tranh chấp. Đúng hẹn, ông Tuấn mang bộ hồ sơ đến quán giao cho hai người lạ.
Tại đây, ông cố tình móc trong túi ra một cọc tiền (hai mặt ngoài cọc tiền đều có tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng), bỏ vào bọc ni lông màu đen đưa cho hai người lạ, đồng thời kêu cả hai đếm lại rồi viết biên nhận. Lúc này, một trong hai người nói: “Không cần đếm lại đâu”, đồng thời lấy giấy bút ra viết biên nhận đã nhận số tiền 12 triệu đồng. Đúng lúc này thì cảnh sát ập vào bắt quả tang, dẫn giải cả hai về trụ sở để làm việc. Tại cơ quan điều tra, cả hai khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Theo đó, đối tượng trực tiếp viết giấy biên nhận và cũng là kẻ chủ mưu là Phan Thanh Tuấn (SN 1973, ngụ ấp 1, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Sinh ra trong gia đình nông dân có tới 8 anh chị em, học hết lớp 9, Tuấn nghỉ học ở nhà làm ruộng sau đó cưới vợ, đã có một con. Đã có thời gian Tuấn làm công an xã nhưng do đồng lương hợp đồng ít ỏi không đủ tiêu xài cá nhân nên một thời gian sau đã nghỉ việc.
Đối tượng còn lại là Võ Thành Hải (SN 1973, ngụ ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Cũng đông anh em như Tuấn nhưng Hải theo học được đến hết lớp 11, mới cưới cô vợ trẻ hơn chục tuổi được mấy năm nay, đã có một đứa con, do vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên đã ra tòa xin được đường ai nấy đi.
Thời gian trước đây, Hải có cộng tác với một tờ báo với vai trò là người phát hành nên đã được báo này cấp thẻ Cộng tác viên. Tuy nhiên, do Hải không hoàn thành nhiệm vụ, tờ báo này đã chấm dứt cộng tác, Hải trở thành kẻ thất nghiệp “ăn không ngồi rồi”. Giữa Hải và Tuấn có sự quen biết từ trước, thường xuyên liên lạc với nhau.
Theo hẹn, trưa 13/1/2013, Tuấn chạy xe gắn máy từ TP.HCM đến nhà của Hải ở tỉnh Đồng Tháp, sau đó chở nhau đi đến nhà một người quen ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Khoảng 19h cùng ngày, cả hai tổ chức nhậu cùng vợ chồng gia chủ. Sau hai tiếng đồng hồ say sưa “chén chú chén anh”, Hải và chủ nhà lội bộ ra chợ xã uống cà phê. Ở nhà, trong lúc “tám chuyện” với bà chủ nhà, Tuấn “nổ” là mình đang công tác tại “Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp”, còn người đi cùng (tức Hải) đang là một nhà báo.
Thấy bà chủ nhà có vẻ tin tưởng, lại nghĩ đến cảnh đang bị “viêm màng túi”, Tuấn đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức lợi dụng sự quen biết với gia đình này để tìm những người dân có vướng mắc trong tranh chấp đất đai, hứa hẹn “giúp đỡ” để nhận tiền “bồi dưỡng”, tức nhận tiền để lo chạy án.
"Mồm mép" vẫn không lừa được lão nông
Tuấn hỏi thăm dò: “Ở đây có ai tranh chấp đất không?”, được bà chủ nhà cho biết có một người cậu tên Trần Văn Ẩn đang tranh chấp quyền sử đụng đất với người khác. Mừng như “bắt được vàng”, Tuấn lập tức xin số điện thoại của ông Ẩn với lời hứa “để tìm cách giúp đỡ”. Ngay khi có số điện thoại, Tuấn lập tức gọi cho ông Ẩn để hỏi thăm tình hình sự việc và hẹn gặp mặt để lo giúp.
Khoảng 7h hôm sau, Tuấn gọi điện hẹn gặp ông Ẩn tại quán cà phê, sau đó chở Hải đến điểm hẹn. Khi gặp mặt, Tuấn vẫn tự giới thiệu mình là cán bộ Công an tỉnh Đồng Tháp đang đi công tác tại Hậu Giang. Thấy ông Ẩn còn có vẻ nghi ngại, Tuấn liền móc trong túi ra và đưa cho “thân chủ” xem một tấm ảnh (cỡ 2 x 3cm), nói người trong ảnh là “đối tượng đang bị truy nã”. Đồng thời, Tuấn còn căn dặn ông Ẩn: “Nếu ông phát hiện người trong ảnh này thì gọi điện cho tôi xuống bắt liền, ông sẽ được khen thưởng”.
Tuấn tiếp tục chỉ tay về Hải, giới thiệu đây là “nhà báo”. Sau đó Tuấn liến thoắng kể về “chiến tích chạy án” của mình nhằm tạo lòng tin cho ông Ẩn. Đồng thời gã cũng không quên đưa ra các điều kiện để có thể “lo giúp” cho “thân chủ”. Nghe vậy, ông Ẩn đưa bộ hồ sơ đất đai đang tranh chấp cho hai kẻ lừa đảo xem.
Lúc này Hải đã biết được ý định lừa đảo của bạn, nhưng Hải không phản đối, lại cũng muốn “té nước theo mưa” nhằm hưởng lợi. Hải không nói gì mà ra vẻ chăm chú “nghiên cứu hồ sơ để tìm cách giải quyết”. Khi lão nông hỏi: “Anh xem giải quyết được không”, Hải khẳng định: “Ông cứ yên tâm, hồ sơ này thì chỉ trong vòng một tuần sẽ có người xuống xem xét và bảo đảm với ông là một tháng sẽ giải quyết xong vụ tranh chấp đất đai của ông”.
Hải cũng không quên đưa ra yêu cầu: “Ông phải ứng trước cho bọn tôi 12 triệu đồng mới được”. Nghe vậy, ông Ẩn đồng ý và ra về. Về đến nhà, lão nông này bình tâm suy nghĩ lại mọi chuyện và cảm thấy có cái gì đó “không ổn” bởi thấy hai người đàn ông mới gặp lần đầu có vẻ gì đó “gian gian”. Hơn nữa, họ lại ăn nói khá huênh hoang, dám hứa chỉ trong vòng một tháng sẽ giải quyết xong vụ tranh chấp mà ông đã mất thời gian cả năm trời theo kiện...
Sau khi xác minh lại nhân thân của hai người lạ mặt từ người cháu, được biết “cũng chỉ quen biết sơ sơ chứ không biết gì cụ thể”. Ông lão tham khảo thêm ý kiến của vài người trước khi quyết định trình báo công an để "lật mặt" hai kẻ lừa đảo.
Khi bị bắt quả tang, khám xét trên người của hai kẻ lừa đảo, ngoài thẻ cộng tác viên của Hải, công an thu giữ được hai điện thoại di động, hai giấy bán xe (đều mang tên người khác) và nhiều thẻ cộng tác viên báo chí (không phải mang tên hai đối tượng). Kiểm tra bọc ni lông đựng cọc tiền mà ông Ẩn đưa cho hai kẻ lừa đảo, công an đếm được thấy tổng cộng là bốn triệu đồng, vì ngoài hai tờ giấy bạc mệnh giá 500 ngàn đồng bọc ở bìa ngoài, bên trong toàn là tờ giấy bạc mệnh giá 100 ngàn đồng.
Giải thích về việc sao không đếm tiền mà đã dám viết giấy biên nhận, Tuấn nói: “Thấy ổng có vẻ thiệt thà chất phác nên không nghĩ ổng lại dám “chơi khăm” bọn tôi. Vả lại, lúc đó cũng lo sợ bị phát hiện nên không có gan đâu để mà giở ra đếm. Còn viết giấy biên nhận vì đã có dự tính là nhận xong tiền sẽ cao chạy xa bay, ông Ẩn cũng chẳng biết chúng tôi ở đâu để tìm đòi lại”.
Khi được chất vấn là nếu không bị bắt thì có thể “lo” được cho ông Ẩn như đã hứa không, hai kẻ lừa đảo thú nhận: “Không có khả năng, chỉ lừa lấy tiền để tiêu xài thôi”.
Sau khi củng cố đầy đủ hồ sơ chứng cứ, ngày 17/4/2013, Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Mỹ đã có cáo trạng truy tố ra trước Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử Phan Thanh Tuấn và Võ Thành Hải về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 1 Điều 139 BLHS.
Trương Quốc