Trước khi kết hôn, họ là những phụ nữ có trình độ, có công việc ổn định; đầy tự tin khi về nhà chồng. Nhưng, chỉ … một phút xiêu lòng, họ trở thành người sống lệ thuộc vào người khác, tự đẩy mình vào bi kịch.
Cố đấm…
Hiền là kế toán trưởng của một đơn vị kinh doanh nhà nước, thu nhập ổn định. Tuấn, chồng Hiền, là kiến trúc sư, giám đốc một công ty tư vấn thiết kế và trang trí nội thất. Thời bất động sản hưng thịnh, Hiền sinh con thứ hai, Tuấn thuyết phục vợ nghỉ việc để chăm sóc con cái, nhà cửa. Đắn đo mãi, cuối cùng Hiền nghe theo lời chồng.
Thời gian đầu, được vợ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, áo quần giặt ủi sẵn sàng, tươm tất, về nhà thấy hai con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, Tuấn rất hài lòng, gia đình vui vẻ hẳn lên. Mẹ Tuấn bệnh, anh đón mẹ vào Nam để tiện chữa trị và chăm sóc. Hiền vất vả hơn xưa nhưng đó là bổn phận dâu con, Hiền cũng không lấy làm phiền, mà luôn cố gắng chu toàn.
Mẹ chồng khỏi bệnh, thay vì về quê sống với người chị cả độc thân như trước, bà lại bàn với ông bán nhà ngoài quê, cùng con gái vào Nam sống cùng con trai. Hiền phản đối, Tuấn gạt đi: “Tôi làm ra tiền, tôi phải lo trả hiếu cho ba mẹ tôi!”, Hiền đành nín thinh.
Có thêm ba thành viên trong nhà, Hiền biến thành người phục vụ. Từ cơm nước, lau dọn nhà cửa, cho đến giặt ủi áo quần… Người chị cả mó tay vào việc gì, mẹ Tuấn cũng cản: “Để đó cho em nó làm!”.
Tin chồng, lao vào…bi kịch 2 |
Công việc đã nhiều, sinh hoạt gia đình lại bị ảnh hưởng do nhà đông người, Hiền lại còn bị bắt bẻ, xét nét từ cách ăn mặc, chi tiêu cho đến việc chăm sóc, dạy dỗ con. Nhiều lần Hiền lên tiếng than phiền, Tuấn nạt ngang: “Ở nhà có bao nhiêu đó mà làm cũng không xong!”. Đã vậy, mỗi khi vợ chồng có mâu thuẫn, mẹ chồng, chị chồng lại nhắc: “Ăn ở không để chồng nuôi mà còn không biết điều”. Có cả nhà luôn đứng về phía mình, lại gièm xiểm Hiền đủ điều, Tuấn ngày càng coi thường vợ.
Giữa đại gia đình chồng, Hiền như một người khác chiến tuyến, bị cô lập ngay chính trong mái nhà của mình. Nhiều lúc Hiền muốn thoát ra, tìm việc gì đó để làm, nhưng giờ đã quá tuổi 40, công việc đã bỏ hơn 10 năm, đâu dễ xin được việc?. Cả nhà sống nhờ vào thu nhập của chồng, nhưng gần đây chuyện làm ăn của Tuấn khó khăn, tất cả những bực dọc từ áp lực kinh doanh, Tuấn về trút hết vào Hiền...
Ăn xôi hẩm
Thương là cử nhân kinh tế, từng làm công tác đối ngoại cho một công ty. Sau khi lập gia đình, sinh con, cùng lúc Hùng, chồng Thương, lên chức giám đốc một doanh nghiệp nhà nước đang ăn nên làm ra, nghe lời chồng, Thương nghỉ làm vì công việc của cô cứ đi sớm về trễ, giao dịch, tiếp khách liên tục.
Thời gian đầu, cuộc sống khá êm ấm nhưng đến khi Thương sinh đứa thứ hai, cũng là con gái, Hùng bắt đầu có những biểu hiện không hài lòng với vợ, thường gây gổ những chuyện vô cớ và phi lý. Lúc đầu, Thương nín nhịn, nhưng sau Thương nhỏ nhẹ phân tích cho chồng thấy cái sai của mình, hy vọng chồng thay đổi cách cư xử để giữ hòa khí trong nhà, vì hai con gái dần lớn, bắt đầu ý thức, rất sợ hãi những cơn giận bất ngờ của cha. Lần nào cũng vậy, vợ nói chưa hết ý Hùng đã quát: “Sinh toàn một lũ vịt trời còn bày đặt lý lẽ” rồi đứng dậy xách xe bỏ đi nhậu tới khuya, mặc cho Thương khóc sưng cả mắt.
Từ đó, Thương đành im lặng. Hùng được nước làm tới, vắng nhà nhiều hơn, Thương hỏi Hùng chỉ lạnh lùng: “Tôi đi kiếm con nối dõi…”. Rồi Hùng làm thật! Thương tìm hiểu, mới biết Hùng quen với một cô gái ở quê lên thành phố bán cà phê phụ người bà con. Giờ cô ta đã có thai đến tháng thứ bảy, siêu âm là con trai, nên Hùng mừng như bắt được vàng, mua một căn nhà ở vùng ven cho cô ta, chu cấp đủ mọi thứ.
Thương đến tìm, dự định sẽ làm cho cô ta sợ mà rời bỏ chồng mình. Biết Thương là vợ Hùng nhưng cô ta vẫn tỉnh bơ, còn lên mặt “dạy khôn”: “Ảnh muốn có con trai thì tui đẻ con trai cho ảnh. Chị biết điều thì im lặng để giữ ghế cho ảnh đi làm nuôi ba mẹ con chị. Chị mà quậy lên thì hổng phải mình mẹ con tôi chết đói mà mẹ con chị cũng không khác gì đâu!”.
Thương chết lặng, vì cô ta nói quá đúng! Có lẽ, chính Hùng đã xác định với cô ta điều đó, nên cô ta không hề sợ Thương, mà còn có thái độ thách thức. Thương làm ầm lên, Hùng bị cách chức, ba mẹ con Thương ai nuôi?. Còn nếu ly hôn, thì Thương biết ở đâu, làm gì để tự nuôi mình, khi kiến thức, chuyên môn đã mai một sau gần chục năm ru rú xó nhà?.
Ngày đầu ra toà theo thư triệu tập hoà giải ly hôn, Hiền ngất xỉu khi biết sắp phải ra khỏi nhà chồng tay trắng. Tuấn- nguyên đơn đã chìa ra toàn bộ giấy tờ chứng minh hai vợ chồng hoàn toàn không có tài sản gì chung dù chỉ là chiếc xe gắn máy! Hóa ra, anh ta đã âm thầm chuyển hết cho người chị đứng tên toàn bộ nhà cửa, đất đai, xe cộ.
Thương thì nức nở với vị thẩm phán thụ lý vụ ly hôn của mình: “Lui về chăm lo việc nhà, làm hậu phương cho chồng, tôi đã không lường được là khi có bất trắc xảy ra, mình không làm chủ được kinh tế, đồng nghĩa với việc không làm chủ được bản thân nên rơi vào thế bị động hoàn toàn, đành chấp nhận sống trong đau khổ với thân phận của người “cố đấm ăn xôi”. Nhưng, tôi càng gắng chịu, anh ta càng làm dữ hơn, Ngày đứa con trai anh ta với người đàn bà kia chào đời, anh ta đã ném hết quần áo ba mẹ con tôi khỏi nhà”.
Hai chị đều tự nhận vì tin chồng, các chị đã để mình rơi vào bi kịch hôn nhân…
Theo Phụ nữ/Gia đình