Lao xao tỷ giá

Quyết định điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ vừa được ban hành, ngay lập tức, câu chuyện tỷ giá lại lao xao, người mừng, kẻ lo. Các doanh nghiệp xuất khẩu mừng vì ít nhiều cũng được lợi.

Quyết định điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ vừa được ban hành, ngay lập tức, câu chuyện tỷ giá lại lao xao, người mừng, kẻ lo. Các doanh nghiệp xuất khẩu mừng vì ít nhiều cũng được lợi. Còn doanh nghiệp nhập khẩu lại phải đau đầu tính toán vì giá thành bị đội lên khá nhiều nếu tính theo tỷ giá mới. Tuy nhiên, ai cũng phải thừa nhận, điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là đúng bởi sự tồn tại của 2 giá đã quá lâu, làm méo mó nhiều quan hệ kinh tế và nảy sinh không ít tiêu cực.

 

Có vẻ, việc điều chỉnh tỷ giá được dự đoán trước và nhiều tổ chức đã sẵn sàng “ điều chỉnh” theo, nên ngay sau khi có thông tin, thị trường vàng, ngoại tệ và một số hàng hóa lập tức biến động. Rõ nhất là giá vàng khi leo lên sát mức 36 triệu đồng/ lượng, còn giá đô-la Mỹ trên thị trường tự do những ngày trước lình xình quanh mức 21.350 đồng/ USD thì ngày 11- 2 (ngày điều chỉnh tỷ giá) đã tăng ngay lên 21.600 đồng/ USD mặc dù nhu cầu và khả năng thanh toán không có gì đột biến. Các ngân hàng cũng lập tức niêm yết giá bán ở mức kịch trần 20.890 đồng/ USD. Như vậy, khoảng cách đã được kéo lùi đáng kể, từ chỗ 1500- 1700 đồng nay chỉ còn chênh lệch khoảng 600- 700 đồng/ USD. Doanh nghiệp, ngân hàng đều dễ thở hơn, việc hạch toán cũng không đến nỗi quá nan giải như trước đây khi doanh nghiệp buộc phải mua USD tại ngân hàng theo giá cao, nhưng phải hạch toán theo mức giá niêm yết, phần chênh lệch không biết tính vào đâu. Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông điệp sẽ xử lý nghiêm nếu ngân hàng nào tính thêm các khoản phí vô lý vào giá bán USD cho doanh nghiệp.

 

Như thế, có thể coi việc điều chỉnh tỷ giá là một trong những quyết định đáng lưu ý ngay đầu xuân mới, tác động đáng kể tới đời sống kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, mỗi quyết định đều có mặt tích cực và mặt phải khắc phục. Ngoài những vấn đề như trên thì nhiều người lo ngại về tình trạng “té nước theo mưa” và sự gia tăng của nợ công, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp. Những vấn đề vĩ mô có thể từ từ tính nhưng tình trạng “ té nước theo mưa” thì lại xảy ra quá nhanh, quá mức tưởng tượng của nhiều người. Đó chính là việc tăng giá gas “ngay tắp lự” với lý do là điều chỉnh tỷ giá. Ai cũng biết, trong năm 2010, giá gas là một “hiện tượng” về sự tăng giá khi tăng liên tục và tăng với mức cao,  từ đầu năm tới cuối năm tăng gần gấp đôi. Vì là mặt hàng thiết yếu, nên cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều kêu ca mà vẫn phải sử dụng. Đáng chú ý là trong các lần tăng giá, các doanh nghiệp cung cấp đều có viện tới một lý do là tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Lần này, quyết định vừa ban hành buổi sáng thì buổi chiều đã có tin tăng thêm 17.000 đồng/ bình gas 12 kg vì tỷ giá. Có thể đặt câu hỏi, các lô hàng nhập khẩu đã được tính toán, được nhập về từ khi chưa điều chỉnh và nhiều doanh nghiệp nhập khẩu luôn than là không được mua ngoại tệ với giá ngân hàng niêm yết (19.500 đồng) mà phải mua gần sát giá thị trường (21.000 đồng), thực tế họ đã tính toán mức tỷ giá này vào giá bán. Vậy vì lý do gì mà tỷ giá dù có tăng nhưng chưa tới giá 21.000 đồng ( theo ngân hàng niêm yết) mà giá gas lại lập tức tăng theo? Không những thế, các mặt hàng nhập khẩu khác (không phải mới nhập mà nhập từ lâu theo tỷ giá cũ) cũng đang nhấp nhổm tăng giá, hay nói cách khác là ăn theo tỷ giá, rõ nhất là máy tính, ti vi, điện thoại di động và cả ô tô… Thêm vào đó, tâm lý đầu cơ tích trữ USD cũng ngày càng nhiều do lo sợ tỷ giá sẽ còn tăng.

 

Rõ ràng, câu chuyện tỷ giá sẽ còn lao xao trong đời sống kinh tế - xã hội, nhiều câu hỏi cần có lời giải. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì đằng sau mỗi quyết định phải là sự hưởng ứng, là sự kiểm tra giám sát, ngăn chặn tình trạng “ ăn theo” hoặc “ té nước theo mưa”, làm giá cả hàng hóa tăng, ảnh hưởng tới việc kiềm chế lạm phát và đời sống của người dân.

 

Hồng Thanh

Đọc thêm