Bản đồ được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng tiếp cận trực tuyến một cách nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài. Theo đó, chỉ cần gõ tên miền http://satlodbscl.phongchongthientai.vn có thể biết được ĐBSCL hiện có bao nhiêu điểm sạt lở nghiêm trọng, vị trí của các điểm sạt lở và đặc điểm, quy mô của những điểm sạt lở này.
Cùng với việc xây dựng bản đồ sạt lở, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn chi tiết địa phương thực hiện việc cắm biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở, để tổ chức di dời và chủ động có kế hoạch di dời những hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.
Cũng nằm trong chính sách hỗ trợ vùng ĐBSCL ứng phó thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2018 – 2020 (Chương trình giai đoạn 2 kéo dài). Theo đó, các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ được tham gia chương trình này.
Đồng thời, lồng ghép các chương trình liên quan khác tại địa phương để tạo điều kiện cho các hộ gia đình đang sinh sống trong cụm, tuyến dân cư có việc làm ổn định, phù hợp, bảo đảm yên tâm sinh sống tại nơi ở mới./.