Lập di chúc không cần sự đồng ý của các con
Ông Đặng Văn Dết (Tháp Mười – Đồng Tháp) hỏi: Vợ chồng tôi tạo lập được 3 ha đất ruộng, 0,2 ha đất vườn và một căn nhà xây. Nay tôi muốn lập di chúc để phân chia tài sản. Vậy tôi có phải họp mặt gia đình và được sự đồng ý của các con không?
- Theo Điều 631, 646, 663 Bộ luật Dân sự thì: Di chúc là sự thể hiện ý kiến cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Vì vậy, ông bà có quyền lập di chúc chung của vợ chồng mà không cần họp mặt gia đình và đồng ý của các con.
* Đã được cho đất, có được hưởng tiếp thừa kế ?
Ông Phan Duy Kết (Tam Bình – Vĩnh Long) hỏi: Cha mẹ tôi sinh được 5 người con. Khi cha mẹ còn sống đã chia cho 4 người anh chị của tôi, mỗi người 0,5 ha đất, số còn lại hơn 2 ha để cha mẹ dưỡng già và tôi sử dụng. Hiện nay, cha mẹ tôi đã qua đời, không để lại di chúc nên người anh đòi chia thêm số đất tôi đang sử dụng, như vậy có đúng không?
- Theo Điều 675, 676 Bộ luật dân sự thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Do vậy, anh của ông có quyền được hưởng phần di sản thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào tài sản mà cha mẹ đã cho trước đó.
* Đương sự có được yêu cầu hoãn phiên toà ?
Ông Phạm Văn Ri (Bù Gia Mập - Bình Phước) hỏi: Tôi là bị đơn trong vụ kiện dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” đã được Tòa án (TA) triệp tập xét xử. Trong thời gian đó, tôi bị bệnh phải đi điều trị ở bệnh viện. Vậy tôi có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa không?
- Theo Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì: Bị đơn phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của TA; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Nếu đã triệu tập đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt thì TA vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ./.
Bùi Đức Độ