Lập đơn vị đặc nhiệm để chống... tội phạm cảnh sát

Những hành động bạo lực – cưỡng bức ngày càng trở nên phổ biến trong cách hành xử của cảnh sát Nga. Đến nỗi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Rashid Nurgaliev phải yêu cầu cán bộ, nhân viên trong ngành trước hết phải có tình người... Trong cơ cấu Ủy ban Điều tra Liên bang cũng đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm nhằm đấu tranh chống tội phạm cảnh sát.

Những hành động bạo lực – cưỡng bức ngày càng trở nên phổ biến trong cách hành xử của cảnh sát Nga. Đến nỗi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Rashid Nurgaliev phải yêu cầu cán bộ, nhân viên trong ngành trước hết phải có tình người... Trong cơ cấu Ủy ban Điều tra Liên bang cũng đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm nhằm đấu tranh chống tội phạm cảnh sát.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Rashid Nurgaliyev.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga Rashid Nurgaliyev.

Giải thể đồn cảnh sát Dalny

Đồn cảnh sát Dalny, ở thủ đô Cadan, nước cộng hòa Tatarstan, thuộc Liên bang Nga, lại vừa hành hung - tra tấn đến chết một công dân có tên Sergei Nazarov, 52 tuổi. Tin này như “giọt nước tràn ly” về hành động bạo lực của những người được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh xã hội. Bộ trưởng Nội vụ Tatarstan, ông Rustem Kadyrov đã phải xin lỗi gia đình nạn nhân, cách chức các Trưởng và Phó Trưởng đồn, đồng thời giải thể đồn Dalny. Thế nhưng dư luận Cadan vẫn chưa hài lòng, bởi đó chưa phải là liều thuốc chữa trị tận gốc.

Thật ra, ban đầu cũng không có gì ghê gớm lắm. Nazarov bị nghi ngờ lấy trộm chiếc mobile của nhân viên thu ngân tại một cửa hàng trong thành phố. Khi đưa ông ta tới đồn Dalny, các nhân viên bảo vệ cửa hàng đó cũng không có bằng chứng cụ thể, hoàn toàn chỉ là nghi ngờ. Thế nhưng, lật lại hồ sơ, thì Nazarov đã có tới 6 lần phải hầu tòa, hiện tại cũng không có việc làm.

Như vậy thật bất lợi cho ông ta! Các nhân viên đồn Dalny thay nhau hỏi cung. Suốt nhiều giờ ông ta chỉ một lời khai: “Tôi không lấy, không lấy bất cứ thứ gì!”. Cảnh sát uống rượu sâm-banh, rồi lại hỏi cung. Uống rồi hỏi, hỏi rồi lại uống. Cứ như thế, chẳng kết quả gì, nhàm chán, họ quay ra tra tấn Nazarov. Họ đã dùng vỏ chai sâm-banh đánh bừa bãi vào bụng, vào sườn, vào lưng, vào cả đầu ông ta. Đau đớn quá, không chịu nổi, ông ta gào thét.

Cảnh sát buộc phải đưa Nazarov đến bệnh viện, nhưng chỉ ít phút sau ông ta đã chết. Pháp y khám tử thi, xác nhận Nazarov chết vì các nội tạng quá nhiều chấn thương. Thế mà, toàn bộ đồn Dalny, từ Trưởng đồn, Phó Trường đồn, đến các nhân viên đều đồng lòng nói rằng “Ông ta đã nốc quá chén, khi đưa đến tạm giam ở đồn, thấy kêu đau bụng, thì chúng tôi phải đưa đi bệnh viện!”

Đây không phải là lần đầu. Đồn Dalny lâu nay đã trở nên quá tồi tệ. Nội bộ mất đoàn kết, không bảo đảm công tác giữ gìn trật tự, an ninh trên địa bàn; cấp trên hống hách quát nạt cấp dưới, nhân viên bất tuân lệnh thủ trưởng; nhiều trường hợp bắt giam người vô cớ; thường xuyên hành hung, đánh đập các công dân bị tạm giam…

Cho đến một ngày, “tiếng tăm” đồn Dalny càng nổi lên như cồn, bởi câu chuyện đồn trưởng (khi đó) Akhmezyanov quát mắng nhân viên trực ban Dunayev còn tội tệ hơn cả bọn xã hội đen mắng chửi nhau: “Mày là đồ con cừu! Trực ban gì mà ngu thế! Mai tao sẽ đuổi cổ mày, hiểu chưa!” Khổ nỗi, từ giữa tháng 3/2011, câu chuyện đó đã được tung lên mạng internet xã hội. Lãnh đạo Sở Cảnh sát Cadan cũng đã được nghe báo cáo sự thể về chuyện này.

Thế nhưng, tại một cuộc họp báo sau đó, khi bị chất vấn về cách hành xử trong nội bộ cảnh sát, thì người ta vẫn cố tình lấp liếm. Các nhà báo được giải thích một cách kỳ quặc rằng: “Thứ nhất, đoạn băng ghi âm này đã rất lâu, từ 3-4 năm trước rồi; Thứ hai, Akhmezyanov không thừa nhận giọng nói đó là của anh ta; Thứ ba, Dunayev đã không còn làm việc ở đồn cảnh sát đó; Thứ tư, đây chỉ là việc nội bộ và Thứ năm, nói chung có điều gì nghiêm trọng xảy ra đâu!”.

Tháng 7/2011, đồn Dalny lại bị bêu danh bởi một câu chuyện ngớ ngẩn, nực cười: Cảnh sát bắt giữ và còng tay một công dân bị coi là phạm tội. Nhưng khi đưa về đồn, nhốt vào phòng tạm giam, thì cảnh sát đã không thể nào mở được còng cho người này. Đến nỗi phải cầu cứu, mời các nhân viên Sở về các tình trạng khẩn cấp đến giúp đỡ.

Ngày càng bộc lộ nhiều ung nhọt

Câu chuyện về đồn cảnh sát Dalny chỉ là một ví dụ nói lên thực trạng của Bộ Nội vụ Tatarstan. Người dân làng Mamykovo, quận Nurlatsky và nhiều địa phương khác thuộc nước CH đã gửi cho ông A.Bastrykin, Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra Liên bang (CK) những tệp đơn dày cộp, tố cáo đủ các thứ tội của cảnh sát. Thì ra, không phải chỉ ở đồn Dalny, mà gần như tất cả các đơn vị cảnh sát ở nước CH đã sử dụng những phương pháp không được phép trong cách hành xử. Những chuyện hành hung, đánh đập, tra tấn người bị tạm giam và tù nhân đã trở thành một thực tế phổ biến trong nhiều năm nay ở nước cộng hòa này.

Cũng không phải chỉ ở CH Tatarstan mới xảy ra tình trạng như thế. Lật lại hồ sơ tội phạm trong ngành mấy tháng gần đây, những người lãnh đạo Bộ Nội vụ Nga không khỏi giật mình. Tháng 12/2011, đã phải ra lệnh bắt và xử tù một thiếu tá và một đại úy ở Angero -Sudzhensk, thuộc tỉnh Komerovo. Hai sĩ quan cảnh sát này cùng với một công dân, chỉ vì tư thù cá nhân đã bắt một thanh niên 25 tuổi, trói chân tay, bỏ vào cốp xe đưa về đồn, hành hung – tra tấn anh ta đến chết. Đã thế, lại còn cả gan vứt xác người đó sau hàng rào ở một ngôi nhà bỏ hoang, tạo hiện trường giả như một vụ án mạng.

Cuối Tháng Ba vừa qua, Ông Y. Khludeyev đã bị cách chức Giám đốc Sở Nội vụ TP Belgorod, vì các nhân viên dưới quyền ông thường xuyên lộng hành, đối xử thô bạo với nhân dân, trong nhiều trường hợp đã thể hiện rõ không có tình người. Một trường hợp cụ thể gần đây nhất, ngày 15/3 cảnh sát TP đã bắt hai người say rượu đưa về đồn. Trong trạng thái  say xỉn ,hai người này đã mắng chửi cảnh sát. Do không biết kiềm chế, quen thói dọa nạt, cưỡng bức người dân, cảnh sát đã đánh người say đến ngất xỉu, phải cấp cứu đưa vào bệnh viện. Thế nhưng, những “người bạn dân”, “người bảo vệ dân” vẫn lấp liếm, chối tội.

Tại tỉnh Voronezh, gần đây cũng để xảy ra hai trường hợp oan sai nghiêm trọng. Hai cảnh sát Đội Truy nã tội phạm, đã hành hung – tra tấn người bị nghi oan, làm ba công dân chấn thương, đến nỗi họ phải chịu thương tật suốt đời. Đương nhiên, hai nhân viên đó đã bị đuổi khỏi ngành, phải ra hầu tòa và lĩnh án tù. Trong khi đó, Đội trưởng đội điều tra đã đánh hai công dân thừa sống thiếu chết. Toàn bộ vụ việc tình cờ lọt vào clip của một mobile. Không thể chối cãi, vị sĩ quan cảnh sát đó đã bị đuổi khỏi ngành và chịu quản thúc, cấm đi khỏi địa phương.

Ở thành phố Orenburg, ngày 14/3 vừa qua, cảnh sát đã bắt hai người vô căn cứ, không có lệnh bắt, chỉ vì nghi họ ăn cắp. Đã thế lại còn còng tay, trói chân, đánh họ rất dã man, rồi giam nhiều giờ trong thùng xe chuyên chở tội phạm. Kết quả là những cảnh sát phạm tội đó đang được “nghỉ ngơi” trong nhà đá!

Cục chống tội phạm trong các cơ quan vũ lực

Trong mấy năm gần đây, Ủy ban Điều tra Liên bang (CK) đã tiến hành theo dõi các vụ trọng án đối với những sĩ quan và nhân viên cơ quan bảo vệ pháp luật. Sau những vụ việc gây mất uy tín và làm giảm niềm tin của nhân dân ở CH Tatarstan, CK đã cho kiểm tra và rà soát tình hình trên toàn Liên bang.

Ngày 28/3/2012, CK đã quyết định thành lập “Cục chống tội phạm trong các cơ quan vũ lực”, với nhiệm vụ đặc trách xem xét các đơn khiếu nại về các hành vi của cảnh sát, phát hiện tội phạm ngay trong hàng ngũ bảo vệ pháp luật.

Hiện CK đang cố gắng khắc phục những hậu quả do tội phạm cảnh sát gây ra. Bộ trưởng Nội vụ Nurgaliyev cũng đang ra sức tìm tòi những phương pháp mới để giáo dục nhân viên dưới quyền theo tinh thần pháp luật. Ông cho rằng trước hết, tại các trường đào tạo cảnh sát phải tăng cường giáo dục về tình yêu người, bởi đây là điểm yếu nghiêm trọng nhất của mỗi cảnh sát hiện nay. Mặt khác, Bộ trưởng đòi hỏi mỗi nhân viên phải nghiêm túc thực hiện pháp luật, thực thi đầy đủ chế độ báo cáo, báo cáo trung thực, tuyệt đối không bịa đặt.

Bộ trưởng Nurgaliyev cũng đã hứa từ nay sẽ tăng cường theo dõi những hành vi phạm tội trong Bộ Nội vụ, mọi sai phạm sẽ được công bố minh bạch trước công luận. Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận rằng đây là vấn đề không dễ, để làm được cần phải có một lộ trình.

Vào ngày 13/4/2012, Bộ trưởng Nurgaliyev sẽ phải trả lời chất vấn của các nghị sĩ Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) trong Chương trinh “Giờ đột xuất của Chính phủ” về những sự kiện liên quan đến Bộ Nội vụ. Ông Rashid Nurgaliyev giữ chức vụ Bộ trưởng bộ này từ năm 2006. Theo tờ “Commersant – Vlastch”, suốt từ đó đến nay, tâm trạng không bằng lòng của các nghị sĩ về tình hình ở Bộ Nội vụ ngày càng gia tăng, đặc biệt các đảng đối lập ngày càng thể hiện rõ sự bất bình. Chắc chắn nhiều nghị sĩ sẽ chất vấn về trách nhiệm nhân sự của Bộ trưởng đối với những vấn đề rất không bình thường của cấp dưới.

Linh Vũ

Đọc thêm