So với mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ xã, phường có hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai được thiết lập một cách chính quy ở Hải Phòng còn thấp. Việc hiện đại hóa, tin học hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai” của Hải Phòng thiếu cơ sở thực tế. Đây là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển tại cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố về công tác quản lý đất đai trên địa bàn đầu tháng. Qua đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Những năm gần đây, nguồn thu từ đất khá lớn, UBND thành phố quan tâm triển khai sớm đề án lập hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.”
Hơn 1/2số xã, phường chưa có bản đồ địa chính
Thành phố hiện còn 132 xã, phường (bằng 59% tổng số xã, phường) và cả huyện đảo Bạch Long Vỹ chưa được đo vẽ bản đồ địa chính (BĐĐC). Đáng lo là hiện có nhiều quận, huyện được quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư, có nhiều biến động đất đai (không còn hiện trạng cũ), như các quận Đồ Sơn, Dương Kinh và huyện Cát Hải. Nhưng do chưa có BĐĐC hoặc bản đồ cũ nên từ khi lập quy hoạch đến khi thực hiện dự án, cán bộ địa chính không có cơ sở để cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai.
Bản đồ địa chính (BĐĐC) là bản đồ các thửa đất, trên đó thể hiện chính xác vị trí, kích thước,diện tích, thông tin địa chính của từng thửa đất theo chủ sử dụng và một số thông tin địa lý khác có liên quan đến đất đai.
|
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Bùi Quang Sản cho biết: Việc chỉnh lý đất đai ở cấp xã chưa được thực hiện thường xuyên, ảnh hưởng đến kết quả thống kê đất đai hằng năm, kiểm kê đất đai cả về thời gian và chất lượng. Một số địa phương đang triển khai dự án trọng điểm như dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Khu công nghiệp Vship tại (huyện Thủy Nguyên) có diện tích thu hồi đất lớn nên phải chỉnh lý đất đai mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng. Công tác lập và chỉnh lý đất đai chưa được tiến hành đồng bộ ở 3 cấp, phường, quận và sở, do đó chưa đáp ứng kịp thời công tác quản lý.
Hệ lụy kéo dài
Những biến động đất đai không được chỉnh lý kịp thời, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới không bảo đảm độ chính xác, đền bù, giải phóng mặt bằng bị chậm…là hệ quả trực tiếp của tình trạng các địa phương chưa có bản đồ địa chính.
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi qua 4 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng và giao đất tái định cư chậm. Trong quá trình giải phóng mặt bằng phát sinh vướng mắc việc xác định giá đền bù đối với đất đổi vườn 70 hộ dân ở 2 xã Mỹ Đức và Quang Trung (An Lão). Đây là loại đất mà các địa phương khi lấy đất vườn của dân xây dựng công trình công cộng, không bồi thường bằng tiền mà đổi sang đất nông nghiệp. Việc chuyển đổi này thực hiện trước khi có chính sách bồi thường, năm 1993. Nay các hộ dân kiến nghị bồi thường như đất ở. Đáng chú ý là hầu hết hộ dân có diện tích đất đổi vườn đều chưa có hồ sơ địa chính. Việc xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn, mất nhiều thời gian; Bên cạnh đó, các văn bản quy định về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất không có hướng dẫn, quy định về giá đền bù đối với loại đất đổi vườn.
Những năm gần đây, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thành phố cao nhưng do hệ thống bản đồ địa chính chưa được đo vẽ đúng tiêu chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu là cơ sở dữ liệu cho việc quản lý đất đai. Do chưa có BĐĐC được đo đạc chính xác nên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo căn cứ Chỉ thị số 10 (1998) và Chỉ thị số 18 (1999) của Thủ tướng Chính phủ. Đó là căn cứ vào việc các hộ dân tự kê khai, tự chịu trách nhiệm để xem xét cấp giấy, nên tính pháp lý và độ chính xác trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cao.
20 năm nữa mới xong, nếu
Việc hoàn thiện hệ thống BĐĐC và hồ sơ quản lý đất đai ở xã, phường thực hiện chậm chạp. Từ năm 2001 đến nay, nguồn kinh phí dành cho việc đo đạc BĐĐC không đáp ứng yêu cầu. Kinh phí phục vụ đo đạc BĐĐC được chi trả theo từng đề án của từng xã, phường. Việc chi trả cũng rất chậm. Hiện còn nhiều phường, xã hoàn thành việc đo đạc nhưng chưa được thẩm định cấp kinh phí . Theo thống kê của Sở Tài nguyên-Môi trường, hiện nay số nợ đơn vị thi công đo đạc bản đồ địa chính là 2,7 tỷ đồng. Nhiều xã, phường đã và đang triển khai việc đo vẽ nhưng vẫn chưa có kinh phí chi trả.Theo tính toán, với cách bố trí kinh phí cho công tác đo đạc BĐĐC như hiện nay phải mất đến 20 năm nữa thành phố mới hoàn thiện việc đo đạc, lập hệ thống hồ sơ địa chính. Trong khi đó, tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước dành khoảng 10% số thu tiền sử dụng đất hằng năm để phục vụ công tác đo đạc và chỉnh lý bản đồ địa chính. Để khắc phục khó khăn này, Sở Tài nguyên-Môi trường được UBND thành phố giao nhiệm vụ xây dựng phương án lập hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Theo phương án, thành phố phấn đấu hoàn thành việc xây dựng BĐĐC vào năm 2015 và 260 tỷ đồng là số kinh phí để hoàn thiện hồ sơ địa chính cần. Trong đó việc đo vẽ bản đồ địa chính cần tới 190 tỷ đồng. Phương án này được Bộ Tài nguyên-Môi trường thẩm định ngày 21-1-2009.
Công tác đo đạc, lập BĐĐC có vai trò rất quan trọng để phục vụ việc quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác này hoàn thành càng sớm càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhất là công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên đất đai../.
Nguyên Mai