Từ ngày 16/5 này, thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến hiệu lực. Theo đó, học sinh "có thể làm kiểm tra định kỳ trực tuyến vì lý do bất khả kháng".
Động thái này của Bộ GD&ĐT rất kịp thời, khi thực hiện ngay trong học kỳ này. Thi trực tuyến sẽ giảm áp lực rất lớn cho học sinh cũng như nhà trường khi dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, khi nhiều trường học tổ chức thi trực tuyến đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều sự lo lắng về tính minh bạch và công bằng của hình thức thi này, trong đó "lấp ló" sự gian lận.
Phụ huynh trả gia sư 300 - 500 nghìn đồng/môn thi, nếu điểm cao
Anh Quốc Cường (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Khi biết tin các con sẽ được thi kết thúc học kỳ theo hình thức thi trực tuyến tôi đã rất vui mừng. Bởi khi số ca nhiễm trên địa bàn ngày càng tăng thì vấn đề an toàn đảm bảo sức khỏe của các con vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cho các con kiểm tra trên máy tính và điện thoại để làm quen với hình thức thi trực tuyến đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra. Có lẽ vì thế mà tôi cũng cảm thấy an tâm và các con cũng có thể ổn định tâm lý học tập".
Đối lập với tâm lý của các phụ huynh trên, anh T. (Quận Tây Hồ, Hà Nội) lại đang loay hoay không biết phải xử lý sao khi có thông báo thi trực tuyến từ nhà trường.
Cách "cấp cứu" mà anh T. chọn là thuê gia sư đang dạy cho con trai học lớp 4 để có thể ngồi cạnh chỉ bài cho con khi thi. Vì học lực của con chỉ ở mức trung bình, nên điều anh T. sợ nhất khi thi trực tuyến con lại càng luống cuống và thua thiệt hơn các bạn.
Mỗi môn thi anh T. lại trả cho gia sư số tiền 300 nghìn đồng, gấp đôi so với một buổi học 2 tiếng bình thường.
Với tâm lý lo ngại các phụ huynh khác cũng sẽ giúp con để đạt được điểm cao nhất có thể. Có con đang học lớp 8, chị Q. (Cầu Giấy, Hà Nội) đang thấp thỏm lo lắng khi biết tin con phải thi trực tuyến. Chị Q. đã chọn cách sẽ ngồi cạnh con khi môn thi đó bắt đầu để có thể giúp con đạt điểm cao nhất.
Nhiều sinh viên đang làm gia sư tại Hà Nội cho hay, khi nảy sinh thi trực tuyến thì mức giá chung mà nhiều phụ huynh bậc tiểu học trả cho gia sư hỗ trợ cho con làm bài thi là 300 nghìn đồng/môn thi. Với học sinh lớp 7, lớp 8, phụ huynh trả 500 nghìn đồng/môn thi nhưng với điều kiện phải đạt điểm cao.
Bạn N.V.H sinh viên năm 2 của một Học viện ở Hà Nội hiện đang gia sư cho học sinh lớp 4, lớp 7, lớp 8 cho biết: "Có phụ huynh trả em 500.000 đồng trong buổi con thi môn Ngữ Văn và yêu cầu phải đạt 8 điểm trở lên".
Để đạt được 8 điểm Ngữ Văn thì quả đúng học sinh phải là người có kiến thức hiểu biết và văn phong sâu sắc, nhưng với học sinh có học lực trung bình khá thì việc có thêm "trợ thủ đắc lực" từ gia sư thì điểm 8 của học sinh này như nằm trọn trong lòng bàn tay.
"Em xấu hổ nếu được điểm cao"
Khi được hỏi về việc gian lận khi thi trực tuyến, nhiều bạn học sinh lại rất trung thực và không mong muốn điều này xảy ra. Bởi theo các em, điều mong muốn là học thật - thi thật chứ không phải là những điểm số ảo để đánh giá vào cuối năm học.
Em N.Q.M học sinh lớp 6 (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Do lực học của con trung bình, nên ngay từ khi có thông báo học trực tuyến mẹ đã yêu cầu gia sư "túc trực" vào mỗi buổi học trực tuyến, nên đối với việc thi trực tuyến cũng chỉ là việc nhỏ vì có gia sư nhắc bài bên cạnh.
Có thể việc nhắc bài của gia sư sẽ khiến con được điểm cao nhưng khi đối diện sự thật và nếu các bạn cùng lớp biết con sẽ xấu hổ biết bao nhiêu, lực học của con thì ai cũng biết nếu điểm thi quá cao sẽ khiến sự hoài nghi trong mọi người. Nhưng vì mong muốn của bố mẹ thì em không thể làm gì khác".
Cũng chung suy nghĩ với Q.M, em T.A học sinh lớp 11 (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: "Theo quan điểm của em, khi có thông báo thi trực tuyến thì chắc chắn nhà trường sẽ bố trí được các phương án và đảm bảo được tính khách quan công bằng, minh bạch, chính xác của kỳ thi. Bởi trong quá trình học tại trường và học trực tuyến thì thầy cô đã đánh giá được năng lực của học sinh. Dù là có sự gian lận thì chính học sinh đó cũng thấy và nhận thấy phần xấu hổ".
Không chỉ những học sinh, nhiều sinh viên gia sư cũng có phần cảm thấy lăn tăn trong việc giúp các em học sinh gian lận khi thi trực tuyến.
Bạn N.V.H sinh viên năm 2 của một Học viện ở Hà Nội cho hay: "Bản thân mình là người kèm cặp cho các em để lấp vào chỗ hổng của kiến thức, tuy nhiên điều mình thật sự không thích là tiếp tay cho sự gian lận của học sinh. Nhưng cũng vì sự nài nỉ của phụ huynh và cũng một phần khó khăn trong mùa dịch về kinh tế mình đã nhận lời giúp phụ huynh để học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi".
Bạn B.T.M sinh viên năm 3 của một trường đại học tại Hà Nội, cũng hiện đang là gia sư cho một học sinh lớp 4 cho biết, ban đầu khi trao đổi với phụ huynh về việc giúp đỡ học sinh đạt kết quả cao nhờ sự gian lận này T.M cũng từ chối và không đồng tình với việc này.
Dù đã khuyên bảo nhiều lần, nhưng phụ huynh vẫn không hề thay đổi suy nghĩ. Cuối cùng vì lòng thương học sinh, T.M cũng đã quyết định đồng ý và giúp học sinh làm bài thi nhưng chỉ giúp đến đúng năng lực mà học sinh có chứ không giúp học sinh đạt điểm tuyệt đối.
Thầy Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên của một trường Cao đẳng tại Hà Nội cho hay: "Quả thật, việc gian lận trong thi cử dù là thi tại trường hay thi trực tuyến đều có thể xảy ra. Giảng viên cũng không thể nào ngồi nhìn vào màn hình máy tính cả 60 - 90 phút coi thi được. Muốn có sự công bằng khách quan thì phải phụ thuộc vào chính ý thức của học sinh và suy nghĩ của các bậc làm cha, làm mẹ".
Có thể thấy, việc các bậc phụ huynh học sinh mong muốn con được điểm cao là điều hiển nhiên, nhưng việc gian lận như vậy có thực sự là xứng đáng với các con? Bởi việc học là cả một quá trình chứ không thể vì chút sơ hở mà làm gian lận mất đi sự công tâm và công bằng của các con được.
Nếu không có công tác tư tưởng đúng đắn, sự quán triệt của nhà trường của các ban ngành thì còn biết bao phụ huynh sẽ còn suy nghĩ như trên?
Tất cả học sinh bật tính năng Video và tắt tính năng Audio trong suốt thời gian làm bài.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trường Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) đã quyết định tổ chức thi học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến từ ngày 10/5 trở đi.
Trực tuyến trên nền tảng MS. Teams với các môn như sau: Khối 11: Giáo dục Công dân (GDCD), Hóa, Lý; Khối 10: Giáo dục Công dân (GDCD), Lịch sử, Vật lý, Địa lý, Hóa học.
Tại các buổi kiểm tra, học sinh đăng nhập vào các lớp học trên MS. Teams đúng giờ quy định (sáng: 8h00; chiều: 13h30); Thực hiện các quy trình làm bài kiểm tra theo hướng dẫn của các cán bộ coi thi;
Nhà trường yêu cầu, các thí sinh không được phép sử dụng tài liệu liên quan đến các môn thi; Chỉ được phép sử dụng duy nhất 01 thiết bị điện tử để thực hiện làm bài thi; trong trường hợp đặc biệt, cần xin ý kiến của cán bộ coi thi để được giải quyết;
Nhà trường yêu cầu, tất cả học sinh bật tính năng Video và tắt tính năng Audio trong suốt thời gian làm bài. Chỉ được bật tính năng Audio khi được yêu cầu; Học sinh mặc áo đồng phục trường trong thời gian làm bài kiểm tra.
Nhà trường đề nghị các em học sinh chuẩn bị kỹ lưỡng cho các bài kiểm tra cuối học kỳ 2 và nghiêm túc thực hiện các quy định trong phòng thi. Nếu vi phạm quy định trong phòng thi, học sinh sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.