Như Báo PLVN đã phản ánh sự việc qua bài: Vào chợ “đen” mua hóa đơn đỏ: Công khai, dễ như mua rau, một cách dễ dàng như vậy thì PV được biết, ngoài những khách hàng ở Hà Nội ra thì cũng không ít khách hàng ngoại tỉnh đến đây mua hóa đơn hoặc cuống vé về thanh toán, thông qua một số người quen mua hộ hoặc gọi điện đặt mua nếu mua nhiều lần và tạo được sự tin tưởng.
Tuy nhiên, nếu khách hàng lần đầu tiên đến đây mua cuống vé hoặc vé máy bay thì “ăn” phải vé “rởm” là chuyện bình thường. Về hóa đơn, nếu khách hàng rất cẩn thận thì sẽ tránh được việc “dính” phải hóa đơn thật nhưng không còn giá trị, hoặc hóa đơn “rởm”, nếu gặp phải hóa đơn tự in thì khách hàng chẳng biết đâu là thật hay giả. Nhiều những khách hàng biết rõ là “rởm” nhưng vẫn cố tình mua, miễn sao về thanh toán là được.
Dễ bị lừa hóa đơn “rởm”
Tìm hiểu một số đối tượng “cò” ở “chợ đen” tại khu vực Ga Hà Nội, PV được biết, một tờ hóa đơn đỏ thông thường (0% VAT) ghi giá trị thanh toán dưới 20 triệu đồng được bán với giá trên 300.000 đồng. Giá bán được nhân lên tùy theo trị giá của hóa đơn và cũng có năm bảy loại giá, giá nào cũng có thể mua được, miễn sao không quá thấp giá. Hóa đơn đỏ được phân ra rất nhiều loại, loại 5% VAT, loại 10% VAT và loại 0% VAT, tùy theo nhu cầu của người mua.
Đối tượng mua hóa đơn thì đa dạng nhưng chủ yếu thường là giới công chức, nhân viên các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... Khách hàng tìm đến đây để mua hóa đơn đỏ chủ yếu là nhằm mục đích trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa mua kịp hóa đơn tại cơ quan thuế trong khi kỳ thanh toán với khách hàng đã đến gần, nên đành phải áp dụng giải pháp tình thế là đi mua bên ngoài.
Nhiều trường hợp khác nhân viên công ty đi công tác bị mất cuống vé tàu xe, không ghi được hóa đơn ăn nghỉ, nên phải tìm mua lại để thanh toán công tác phí với cơ quan. Song cũng có doanh nghiệp mua hóa đơn VAT ngoài nhằm hợp thức hóa một số khoản chi khi giải trình với ngành thuế, để hoàn thuế hoặc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng.
Hóa đơn bán hàng do Cục thuế Hà Nội phát hành được in giả một cách tinh vi |
PV lần theo địa chỉ ghi trên hóa đơn bán hàng trắng chưa ghi nội dung do Cục thuế Hà Nội phát hành là một cửa hàng kinh doanh vật liệu trên đường Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm. Tại đây, cửa hàng này vẫn hoạt động, ông chủ của hàng giới thiệu về thủ tục mua bán hàng có hóa đơn, thông thường của hàng bán hàng thì xuất hóa đơn bán lẻ thông thường, nếu khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn bán hàng do Cục thuế phát hành thì sẽ ghi.
So sánh tờ hóa đơn của PV với quyển hóa đơn của cửa hàng hoàn toàn trùng khớp, từ địa chỉ cho đến mã số thuế, trong khi đó quyển hóa đơn của của hàng chỉ còn 1/3. Ông chủ cửa hàng cho biết đây là loại hóa đơn bán hàng trực tiếp loại 5% không được hoàn thuế, nếu mua hàng thì ghi vào liên 2 tăng lên bao nhiêu tiền cũng được. Trong khi đó, cán bộ nghiệp vụ của đội cảnh sát kinh tế, công an quận Hoàn Kiếm khẳng định đó là tờ hóa đơn giả được in một cách tinh vi, nhìn khó có thể phát hiện được.
Trụ sở doanh nghiệp ghi trong hóa đơn GTGT, hiện tại chỉ là ngôi nhà trống và đang treo biển cho thuê văn phòng. |
Cũng theo quy định tại thông tư 219 của Bộ Tài chính. Theo đó, các DN mới thành lập từ năm 2014 phải có tài sản cố định từ 1 tỉ đồng trở lên (trừ ôtô dưới chín chỗ) mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Những DN mới thành lập không đủ điều kiện buộc phải kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp. Trong khi doanh nghiệp này thành lập từ cuối tháng 3/2014, vậy trong suốt hơn 3 tháng (tính đến thời điểm PV mua hóa đơn là đầu tháng 7/2014) doanh nghiệp này tồn tại và tự in hóa đơn rồi bán bao nhiêu quyển hóa một cách công khai mà không một cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện? Phải chăng quá dễ để thành lập một doanh nghiệp “mua bán” hóa đơn?
Hé mở sự thật của “cò” hóa đơn
Sau nhiều ngày thâm nhập và tìm hiểu hoạt động của chợ “đen” này, Pv lân la với một số “cò” tại đây và được biết rõ về “xuất xứ” của những loại hóa đơn, cuống vé tàu hay vé máy bay, được “xuất khẩu” từ đây.
Thực chất, các đối tượng “cò” ở đây chỉ là một khâu “trung gian” môi giới và bán các loại hóa đơn và cuống vé nói trên. Đối với cuống vé tàu bán ra để về thanh toán thì thật cũng có, giả cũng có. Bởi lẽ, các “cò” ở đây có các đối tượng hàng ngày chuyên “lượn lờ” ở các khu vực ra vào cổng ga và trong ga Hà Nội để “thu mua” các cuống vé của hành khách đi tầu khi không còn sử dụng với giá 5-7 nghìn đồng, hầu như người đi tàu cho không chứ không lấy tiền hoăc vứt đi, các đối tượng ở đây thu nhặt và gom lại sau đó bán lại hoặc chuyển cho các “cò”. Các “cò” ở chợ này bắt đầu phân loại vé ra theo từng ngày, khi có khách mua cuống vé về để thanh toán, nếu khách yêu cầu mua cuống vé đúng ngày đi và về mà các “cò” có trong tay thì là vé thật, còn không đúng ngày thì phải đặt tiền chờ hôm khác đến lấy, tất nhiên là chờ “cò” đặt in vé “rởm” từ nơi khác.
Hóa đơn GTGT của doanh nghiệp "ma" và hóa đơn bán hàng "rởm" |