Lấy người dân làm trung tâm trong phổ biến pháp luật

(PLVN) -Ngày 21/8, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp và Tổ chức hợp tác phát triển Đức tổ chức (GIZ) tổ chức Tọa đàm Tham vấn hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. 

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn giữ vai trò quan trọng  trong đời sống xã hội, là khâu đầu tiên của hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. 

Để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng trong Kết luận số 80-KL/TW; đưa Kết luận của Ban Bí thư kịp thời đi vào cuộc sống, Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư. Bám sát 4 nhiệm vụ của Kết luận số 80-KL/TW, dự thảo Kế hoạch quy định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với mục đích tạo bước chuyển căn bản về  chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Cụ thể, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị triển khai công tác PBGDPL; Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; Tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trong phạm vi cả nước, có trọng tâm, trọng điểm; Huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL; Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL…

Theo đó, Dự thảo Kế hoạch đã giao thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung của Kết luận số 80-KL/TW đến các cơ quan, đơn vị trong phạm vi do mình quản lý; phát huy vai trò, xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác này…

 

Tại Tọa đàm, rất nhiều chuyên gia đã trình bày tham luận, đóng góp ý kiến, vào Dự thảo. TS. Dương Thanh Mai (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) kiến nghị cần xây dựng và thực thi Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Xây dựng bộ công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật. 

 

TS Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về công tác PBGDPL trong nhà trường trong giai đoạn hiện nay đồng thời kiến nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan tư pháp địa phương chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thực hiện công tác PBGDPL: Xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL trong nhà trường.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Phan Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn Phòng Chính phủ cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại biểu. Bà Hạnh mong Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, đưa ra những ý tưởng hay hơn từ thực tiễn để đưa vào chính sách đồng thời lấy thêm ý kiến của những đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp. 

 

Kết luận Tọa đàm, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thay mặt Bộ Tư pháp xin ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo ông Quốc, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, chất lượng, hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác PBGDPL; Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và địa bàn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; đổi mới toàn diện công tác PBGDPL trong cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp hướng mạnh về cơ sở, lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; gắn công tác PBGDPL với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đội ngũ cán bộ công chức cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, hướng mẫu trong thực thi pháp luật, vận dụng kỹ năng dân vận khéo trong PBGDPL.Tập trung tham mưu, chỉ đạo củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng, để xuất, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối, bố trí các nguồn lực…

 

Cũng trong ngày 21/8, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã tổ chức tọa đàm Tham vấn góp ý hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTG ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Theo Tờ trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg cũng như thực hiện nội dung thành phần “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

 

Những tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do một số bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích, vai trò và trách nhiệm tổ chức thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật và nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo chưa sát sao, thường xuyên. Đặc biệt, chuẩn tiếp cận pháp luật và các quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần được hoàn thiện kịp thời. Do đó, việc nghiên cứu và Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Kết luận số 80-KL/TW và thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg đã có đủ cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở thực tiễn và bối cảnh hiện nay.

Dự thảo Quyết định gồm 9 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện, tiêu chí đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật… Nội dung các điều trong dự thảo Quyết định được thiết kế đảm bảo logic, phù hợp, nhất quán với cách tiếp cận, mục tiêu thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật theo khía cạnh bảo đảm, thực hiện các quyền của mọi người dân về tiếp cận thông tin, PBGDPL… Cùng với đó là trách nhiệm của Nhà nước, thông qua chính quyền địa phương cấp xã là chủ thể chính đã thực thi, đáp ứng các mức độ, yêu cầu tối thiểu để bảo đảm tiếp cận pháp luật cho người dân.

Đọc thêm