Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
“Sau hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của công đoàn; giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh - đồng thời bà cũng lưu ý đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất có nhiều nội dung mới nên các đại biểu tập trung góp ý toàn diện vào nội dung dự luật, trong đó quan tâm cho ý kiến về các chính sách cơ bản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết và phù hợp khi sửa đổi Luật Công đoàn, nhất là khi Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quan hệ lao động, quyền của NLĐ tham gia tổ chức đại diện. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể.
Đóng góp ý kiến, các đại biểu tập trung về các vấn đề như: Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước với công đoàn; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; bảo đảm về tổ chức cán bộ; xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn; cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam…
Về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Dự án đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023; quy định để hưởng BHXH một lần nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu và dư luận xã hội. Vấn đề hưởng BHXH một lần được quy định năm 1994 tại Bộ luật Lao động, trong bối cảnh khi đó chủ yếu dành cho cán bộ, công chức, NLĐ trong khu vực công. Việc hưởng BHXH một lần đối với trường hợp NLĐ nghỉ việc và không tiếp tục tham gia BHXH là điểm rất khác biệt so với quy định của các quốc gia trên thế giới.
Từ trước đến nay, Dự thảo Chính phủ trình đều quy định NLĐ nếu có nguyện vọng thì được hưởng BHXH một lần tương tự như nhau cho cả trường hợp tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện. Nhưng khi chưa đủ điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu, tức là đang trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe, có khả năng làm việc để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà nhận BHXH một lần để chi tiêu trước mắt thì dù về lý do gì đều trái với mục đích, tính chất của chế độ BH hưu trí; không bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ hết tuổi lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an sinh xã hội. “Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV luôn thống nhất quan điểm dù lựa chọn phương án nào thì quan trọng là đều phải có giải pháp để giữ NLĐ ở lại thị trường lao động; đó mới là giải pháp về lâu dài” bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Về quy định hưởng BHXH một lần, ông Nguyễn Bá Hoan-Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này kế thừa quy định tại Điều 60 của Luật BHXH năm 2014. Riêng trường hợp NLĐ hưởng BHXH một lần “sau một năm nghỉ việc” quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì có 2 phương án được đề xuất như sau:
Phương án 1, quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm NLĐ khác nhau: Trong đó, nhóm NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật mới có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
“Có thể thấy, cả 2 phương án đều nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương hạn chế số người hưởng BHXH một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho NLĐ theo mức độ và cách thức khác nhau; mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định”, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết.
Các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo cũng đã chia sẻ thực trạng hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về BHXH một lần trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Đại diện NLĐ cũng chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng và quan điểm riêng về vấn đề hưởng BHXH một lần...
Đặc biệt, các đại biểu cũng nhìn nhận, Luật BHXH năm 2014 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật BHXH năm 2006. Tuy nhiên, khi chưa chính thức có hiệu lực thi hành, một bộ phận NLĐ có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006. Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của NLĐ, đặc biệt là NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, Tổng LĐLĐ và báo cáo của Chính phủ, ngày 22/6/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ. Trong đó, NLĐ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần...