Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ

(PLVN) - Nhằm xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, chiều 23/9 tại Lào Cai, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Tọa đàm, hội thảo Luật Biên phòng Việt  Nam, lấy ý kiến góp ý làm rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), trách nhiệm của bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương nơi có biên giới, trách nhiệm của lực lượng chức năng ở biên giới, cửa khẩu... 
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Quy định rõ quyền hạn, thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng

Tham dự tọa đàm, hội thảo có các đại biểu ở các tỉnh biên giới phía Bắc gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bộ Tư lệnh Quân khu 2… Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chủ trương mới liên quan đến vị trí, vai trò của các lực lượng trong bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa đầy đủ để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG.

Do đó, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến-Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP đề nghị các đại biểu cho ý kiến làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP, cơ quan, lực lượng chức năng ở khu vực biên giới và mối quan hệ phối hợp giữa BĐBP và cơ quan, lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ BGQG; đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC) tại cửa khẩu; trách nhiệm của bộ, ngành trung tương, chính quyền địa phương nơi có biên giới… 

Sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, trên thực tế, một số các quy định của các luật chuyên ngành liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng BĐBP còn có những vướng mắc.

Ông Lê Ngọc Quỳnh-Giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai góp ý, về thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ: Khoản 3 Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy quy định: “Cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm về ma túy thuộc BĐBP… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát”.

Điều 11 Pháp lệnh Biên phòng quy định: “BĐBP… được trang bị và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ an ninh, các loại phương tiện, vũ khí, khí tài”. Do Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh Biên phòng mới chỉ dừng ở các quy định chung có tính nguyên tắc, vì vậy, việc áp dụng các biện pháp nghiệm vụ của BĐBP trên thực tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Theo ông Quỳnh, một số nội dung, thuật ngữ trong Pháp lệnh BĐBP không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành liên quan như: Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Quốc phòng năm 2018…

Một số quy định về quyền hạn (thẩm quyền) của BĐBP quy định tại Pháp lệnh BĐBP đã được sửa đổi, bổ sung trong Luật An ninh quốc gia, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017…

Về kiểm soát XNC, quá cảnh ở cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng, pháp luật hiện hành chưa có khái niệm về kiểm tra, kiểm soát, giám sát XNC, quá cảnh.

Theo quy định hiện hành, lực lượng BĐBP chỉ có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát XNC, quá cảnh đối với người ở cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng, còn việc kiểm soát hàng hóa, phương tiện được giao cho lực lượng hải quan dẫn đến trên thực tế, một số trường hợp lợi dụng các phương tiện XNC, quá cảnh qua biên giới để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như phương tiện chở tài liệu phản động, vũ khí, vật liệu nổ… nhưng lực lượng BĐBP lại không có quyền kiểm tra, kiểm soát đối với các phương tiện này. Điều này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm đến an ninh quốc gia. 

Điều chỉnh những vướng mắc khi điều tra hình sự

Theo ý kiến các đại biểu, về quyền hạn điều tra của Đồn trưởng Đồn Biên phòng (BP), theo quy định tại Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, BĐBP được thực hiện điều tra đối với 112 tội danh ở 51 điều luật. Trong đó, Đồn trưởng Đồn BP không đóng ở vùng sâu, vùng xa có quyền hạn điều tra đối với các tội danh ở 42 điều luật.

Đồn trưởng Đồn BP đóng ở vùng sâu, vùng xa ngoài quyền hạn điều tra như đối với các Đồn trưởng khác quy định trong 42 điều luật kể trên còn được điều tra đối với các tội danh quy định tại 9 điều luật khác gồm các điều: 192, 195, 235, 236, 255, 256, 303, 306, 330.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 9 điều luật với 16 tội danh nêu trên không chỉ thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới là vùng sâu, vùng xa, phức tạp về an ninh, trật tự. Do đó, khi xảy ra các vụ việc này, mặc dù đủ điều kiện để khởi tố nhưng BĐBP lại không có quyền hạn điều tra. 

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP là một trong 5 chủ thể của BĐBP có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự, tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có cơ chế để bảo đảm thực hiện thẩm quyền này của Đoàn Đặc nhiệm biên phòng.

Các Đoàn Đặc nhiệm này không gắn với địa giới hành chính của một địa phương nào mà thông thường, theo hoạt động, mỗi Đoàn Đặc nhiệm sẽ gắn với địa bàn của 14-15 tỉnh. Do đó, khi có vụ việc xảy ra, các Đoàn Đặc nhiệm không thể thực hiện được thẩm quyền tố tụng của mình vì không có cơ chế giám sát như gửi đến Viện KSND cấp nào để phê chuẩn các quyết định tố tụng của Đoàn Đặc nhiệm. 

Trong khuôn khổ của chương trình, Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát thực tế phục vụ xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam tại Đồn Biên phòng Bát Xát và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai (BĐBP Lào Cai). 

Đọc thêm