Nhếch nhác hội chợ ẩm thực
Ban Tổ chức một lễ hội ẩm thực du lịch lớn diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vừa phải lên tiếng xin lỗi du khách vì cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Trước đó, sự kiện này được quảng bá là một trong những lễ hội ẩm thực Việt quy mô hoành tráng nhất năm nay với gần 100 gian hàng và nhiều hoạt động hấp dẫn như: xác lập bản đồ ẩm thực online, tham quan bức tường gia vị, bức tường danh vọng nơi ghi dấu ấn và vinh danh các đầu bếp đã đóng góp trong các cuộc thi ẩm thực trong và ngoài nước, các hoạt động kí kết hợp tác đào tạo ẩm thực, các chương trình văn nghệ đặc sắc...
Tuy nhiên, trong 3 ngày diễn ra lễ hội tại hội trường Thống Nhất, Ban Tổ chức đã liên tục nhận được sự phàn nàn từ phía du khách trong và ngoài nước. Mang tiếng là lễ hội quảng bá ẩm thực Việt với “tham vọng” đưa “bản đồ ẩm thực” các địa phương đến với du khách, thế nhưng những vị trí trung tâm nhất trong khu vực ăn uống lại thuộc về các gian hàng bán thức ăn nhanh phổ biến như cá viên chiên, các loại đồ xiên chiên, nướng...
Số lượng các cửa hàng này cũng chiếm đa số so với các món ăn vùng miền. Ngoài các món Việt phổ thông, du khách cũng khó lòng tìm được nhiều đặc sản vùng miền ngon trên “bản đồ ẩm thực” mà lễ hội đã quảng bá. Cạnh đó, vấn đề kém vệ sinh, thiếu chỗ ngồi, không gian nhếch nhác cũng được nhiều du khách phản ánh. Không ít du khách chỉ tham quan một vòng rồi rời đi ngay.
Thực tế, tình trạng trên không phải hiếm đối với hoạt động quảng bá ẩm thực Việt tại các địa phương. Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh tổ chức hàng chục hội chợ ẩm thực quy mô nhỏ và vài lễ hội ẩm thực lớn, nhưng ít sự kiện “đủ tầm” có thể gọi là “quảng bá du lịch”. Trong số đó, nhiều hội chợ ẩm thực chỉ hướng đến “bài toán” doanh thu, khi chiếm đa phần trong các gian hàng vẫn là kinh doanh xiên nướng, thức ăn nhanh giá rẻ, chưa tập trung vào chủ đề “ẩm thực vùng miền”.
Đồng thời, cách thức tổ chức các hội chợ, lễ hội thường na ná nhau, chủ yếu là bán hàng, ít có các hoạt động đặc sắc, thực sự tôn vinh văn hóa ẩm thực một cách bài bản.
Tiềm năng bỏ ngỏ
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã thành công trong tổ chức các lễ hội ẩm thực, tạo ra cơ hội tuyệt vời để quảng bá ẩm thực nói riêng, quảng bá nét đẹp văn hóa, thu hút du lịch nói chung. Một số lễ hội nổi tiếng như Pizzafest tập trung vào món pizza của Ý, Oktoberfest - Lễ hội bia Đức, Lễ hội Chay của Thái Lan, Lễ hội Bánh kếp của Nga...
Việt Nam có nền ẩm thực phong phú và đặc sắc để có thể xây dựng nên những lễ hội ẩm thực thú vị, chất lượng. Chúng ta có 63 tỉnh, thành, có 54 dân tộc anh em với hàng triệu những món ăn ngon. Trong số đó, có những món ăn phổ biến, cũng có những món mà ngay cả bản thân người Việt trong nước cũng chưa biết đến. Các món ăn của chúng ta hầu như đều gắn với văn hóa truyền thống địa phương, với những tích truyện xa xưa, đó là chất liệu tuyệt vời nếu biết khai thác cho các lễ hội ẩm thực, quảng bá du lịch.
Phần nhiều lễ hội ẩm thực của chúng ta đang tổ chức hiện nay chỉ chú trọng đến “bề nổi”, nghĩa là chú trọng việc trưng bày, thử nếm, bán món ăn mà quên đi phần sâu sắc, độc đáo ẩn trong ý nghĩa, trong văn hóa truyền thống của các món ăn. Cạnh đó, các hội chợ, lễ hội cũng đang quá chú trọng đến vấn đề doanh thu, lợi nhuận, chưa kiểm soát chất lượng của món ăn, gian hàng. Thế nên, nhiều gian hàng bán đặc sản nhưng chất lượng kém, giá cả cao, khiến du khách có đánh giá không hay về ẩm thực Việt Nam, ngược với mục đích quảng bá ban đầu.