QTV - Huyện Đầm Hà nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ Quốc, cách TP Hạ Long trên 80 km. Đây là một vùng đất cổ, loài người có mặt ở đây từ rất sớm. Theo di chỉ khai quật được tại Núi Hứa vào năm 1999, thì con người có mặt ở Đầm Hà khoảng từ 7.000 đến 8.000 năm ( sớm hơn Văn hóa Hạ Long cách đây khoảng 5.000 năm).
Như một vùng "đất thơm cò đậu", dưới các triều đại phong kiến, Đầm Hà có hai dòng họ đến định cư, sinh sống sớm nhất là dòng họ Hoàng và họ Phan. Vì vậy khi Đình Đầm Hà được xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII thì 12 vị Tiên công của họ Hoàng và họ Phan được rước thờ ở Đình làng cùng với Thần Hoàng làng và 6 vị hậu Thần. Trong các vị Thần được thờ trong Đình thì Thần Không Lộ và Giác Hải là hai vị Thần chính. Tương truyền, hai vị Không Lộ và Giác Hải, xuất thân từ nghề chài lưới, rất giỏi nghề sông nước. Sau khi mất, hai vị được nhân dân các vùng biển làm nghề chài lưới tôn thờ thành Thần Hoàng Làng.
Đình Đầm Hà được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XVIII, trên diện tích chừng 2 ha, trên trục đường từ chợ cũ Đầm Hà xuống Đầm Buôn, gồm các địa danh : Trại Dinh, Trại Cao, Trại Giữa, Trại Đình. Đình có 7 gian tiền đình và 3 gian hậu cung ( theo sử liệu thì tiền đình chỉ có 5 gian, nhưng cuối năm 2008, khi san gạt nền để xây dựng lại đình thì lộ ra móng 7 gian chứ không phải 5 gian). Theo thần phả thì Đình được xây bằng gạch đá gạo, có kích thước : 0,25 x 0,25 x0,40 m. Làng huy động toàn Tổng Đầm Hà mỗi suất đinh từ 18 tuổi trở lên phải đóng góp một viên. Mái đình hình dáng cũng tương tự nhiều mái đình khác thường thấy ở những vùng quê Việt Nam, mái lợp ngói âm dương, màu tro, kích thước khoảng 25 x25 cm. Một hàng ngửa, một hàng úp. Cột bằng gỗ lim đường kính khoảng 50-60 cm, kê trên một tảng đá lớn. Đình Đầm Hà do thợ từ Thanh Hóa ra xây. Đình Đầm Hà là một đình lớn trong vùng, có thể so với Đình Trà Cổ ( Móng Cái), Đình Phong Cốc ( Yên Hưng)...
Cụ Đặng Thị Tự, cùng các cháu hát Ca trù trong Lễ Hội Đình Đầm Hà |
Trong hệ thống Đình Đầm Hà còn có Miếu Ông- Miếu Bà ở Rừng Hè. Khi mở hội, dân làng rước Thần từ Miếu Rừng Hè về Đình. Khi kết thúc hội lại rước Thần từ Đình về Miếu. Lễ Hội Đình Đầm Hà diễn ra liên tục trong 6 ngày, từ Rằm đến ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Lễ rước Thần rất long trọng và trang nghiêm, có 8 trai tráng khỏe mạnh, trang phục như lính lệ ngày xưa khênh Ngai sơn son, thếp vàng lộng lẫy, có 2 tán che . 4 người khênh hương án, võng lọng đi hai bên. Binh khí hoành tráng gồm khiên, giáo, côn, trùy... mỗi loại 2 cái do các trai tráng múa dọc đường rước Thần. Hòa cùng với các điệu múa, hát là các nhạc cụ dân tộc: sáo, nhị, trống, kồng, chiêng... rộn ràng, náo nức. Đoàn rước Thần cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, gồm 8 cụ ông có uy tín trong làng đi sau Ngai vàng, tiếp sau là các quan viên, sau cùng là dân của các làng, trang phục theo quan viên vào chầu các đình, chùa và trang phục dân gian. Đoàn rước Thần cứ khoảng 300 mét lại dừng kiệu để dân làng hai bên đường đến dâng hương, bái lễ Thần và hát ca trù. Suốt trong thời gian diễn ra lễ hội có nhiều trò chơi dân gian, như kéo co, vật, leo cột mỡ, đánh cờ người, đá cầu, đá cừ...
Về phần lễ, Đình Đầm Hà rất phong phú, có gần 20 cái lễ, mỗi lễ gắn với một điển tích, điển tích nào cũng nhằm giáo dục con người nhớ ơn tổ tiên, Thần, Phật, răn dạy mọi người sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong đời sống. Cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Một trong các nội dung của lễ hội là hát ca trù ( hát ả đào- hay hát nhà tơ). Đây là một lễ nghi không thể thiếu vắng trong các lễ hội Đình làng. Ngay ngày đầu tiên khi rước Thần từ Rừng Hè về Đình, các ả đào áo quần mớ ba, mớ bảy, sắc màu rực rỡ, hồng nhan tươi tắn đã vừa múa vừa véo von hát bài "Dâng Hương" theo giọng vọng " Một nén nhang thơm thấu cửu Thiền- Mây Rồng năm thức, nguyệt từng in-Kính Thần một nén nhang hương lửa-Rực rỡ vinh hoa ức vạn niên...". Đầm Hà cũng là nơi xuất xứ của nhiều lần điệu ca trù. Cụ Đinh Sinh, có cha là cụ Đinh Văn Yên là kép hát nổi tiếng của làng. Năm Nhâm Thân, 1932, cụ Đinh Văn Yên nhận lời mời của bà con Việt Kiều ở An Lang, Giang Bình ( Trung Quốc) dẫn một nhóm ca nữ, trong đó có cụ Đặng Thị Tự sang hát trong hội Đình của nước bạn, được bà con ngợi ca. Cụ Tự đến nay đã gần 90 tuổi. Không được hỗ trợ kinh phí, không phòng, lớp, với lòng say mê nghệ thuật ca trù từ nhỏ, theo mẹ và các bậc liền chị, liền anh đi hát khắp cả nước, cụ luôn lo lắng tiếng hát nhà tơ, tiếng hát ả đào... sẽ mai một, bước đầu cụ đã sưu tầm được 9 làn điệu, 39 bài hát, 4 điệu múa truyền dạy lại cho lớp con cháu. Rất may, có hơn 20 cháu đã hào hứng kế nghiệp giọng hát ca trù. Mùa Xuân năm Kỷ Sửu, 2009, khi Đình Đầm Hà được phục dựng, làng mở hội khánh thành phần hậu cung, 20 học trò của cụ Tự đã cất vang lời ca, điệu múa ả đào trong đêm khai hội.
Đặc biệt vinh dự, ngày 14/01/2010, cụ Đặng Thị Tự là 1 trong 4 người đầu tiên của Quảng Ninh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ Nhân Dân Gian.
Sau hơn nửa thế kỷ, Đình Đầm Hà bị phá bằng bom, đến cuối năm 2008, được sự quan tâm của tỉnh cấp hơn 500 triệu đồng, cùng với sự đóng góp của bà con quê hương Đầm Hà đang sinh sống ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài, Đình Đầm Hà đã khởi dựng. Tuy nhiên để tái dựng nguyên mẫu ngôi Đình như trước đây còn phải tiếp tục sưu tầm và cần một khoản kinh phí không nhỏ. Nhưng là nguyện vọng, là tâm linh của nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà và của nhân dân cả nước, hi vọng Đình Đầm Hà sẽ được tái dựng một cách hoàn hảo.
Đặng Xuân Yến