Lễ nhảy lửa là lễ hội truyền thống, một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao Đỏ ở Hà Giang, được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 5 tháng giêng Âm lịch. Các ngày tổ chức lễ hội không cố định mà phụ thuộc vào ngày đẹp, giờ đẹp do già làng, thấy cúng quyết định.
Theo quan niệm của người Dao đỏ, lửa được coi như 1 vị thần, giúp mang tới cho họ sự trù phú, ấm áp, mùa màng bội thu. Vì vậy, nhảy lửa là hoạt động mang ý nghĩa muốn chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống và thể hiện sức mạnh phi thường của người Dao đỏ. Đồng thời, lễ hội là dịp để đồng bào tạ ơn trời đất, tổ tiên, cầu mong cuộc sống no đủ.
|
Chủ lễ gieo quả âm dương để xin thần lửa đồng ý cho nhảy lửa |
Những thanh niên muốn nhảy lửa phải ngồi "hầu lễ" từ đầu buổi lễ, họ lấy que tre gõ liên tục vào những nửa ống vầu đã chuẩn bị sẵn và sẵn sàng ngồi xin thần lửa, chủ lễ sẽ "gieo quẻ xin âm dương" cho đến khi thần lửa đồng ý. Người nhảy lửa sẽ đi chân không trên đống than, họ nhảy, họ lăn vòng trên than hồng, lửa còn lem lém bốc cháy theo từng bước chân của họ.
Như vậy, Hà Giang đã có 2 lễ hội nhảy lửa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào di sản văn hóa phi vật thể là: Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ và Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn./.