|
Cảnh sân khấu hóa dời đô về Thăng Long trong đêm khai mạc Festival hoa 2010 |
Ngày hội văn hóa mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ được tổ chức tại Lâm Hà trong 3 ngày (từ 1/10 đến 3/10/2010) với 5 nội dung chính: Triển lãm “Hà Nội trái tim hồng”, Lễ hội ẩm thực “Hương vị Hà Nội trên cao nguyên”, Chương trình khai mạc “Thăng Long ngàn năm thương nhớ”, Giao lưu biểu diễn nghệ thuật và Lễ hội cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 4.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động đó là đêm khai mạc “Thăng Long ngàn năm thương nhớ” sẽ diễn ra vào đêm 1/10 được sân khấu hóa hành tráng trong 80 phút với 6 phần và những cảnh diễn được dàn dựng công phu: Thăng Long mạch đất rồng thiêng, Hà thành hồn kẻ chợ trên phố, Tràng An tha thướt dáng huyền, Nồng nàn một Hà Nội trong tim, Hào khí thành phố rồng bay và pháo hoa nghệ thuật.
Lễ hội ẩm thực sẽ tái hiện phố ẩm thực Hà Nội với gánh hàng rong, 20 quán vỉa hè được dựng bằng chất liệu tre bán các món ăn đặc trưng Hà Nội: các loại bún (bún chả, bún thang, bún mọc, bún riêu), các loại phở, cháo, miến, các loại xôi (vò, đậu, bắp), các loại bánh (bánh cuốn, bánh đúc, bánh dày, bánh giò)… do 16 xã và 4 cơ quan trong huyện tổ chức.
Triển lãm sẽ do Bảo tàng tỉnh trưng bày với hình ảnh, hiện vật “Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi”, các hiện vật từ khi thành lập huyện Lâm Hà, hình ảnh về thành tựu 20 năm xây dựng và phát triển của người Hà Nội trên quê mới, những hiện vật của người Hà Nội mang theo từ Hà Nội đi di dân lập nghiệp vào đất Lâm Đồng và triển lãm hơn 300 sách và tư liệu viết về Thăng Long – Hà Nội.
Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật với: Liên hoan giọng hát hay tỉnh Lâm Đồng, biểu diễn máy bay mô hình và cano trên hồ nước trước cửa UBND huyện Lâm Hà, biểu diễn múa rối nước trong 3 tối, triển lãm, giới thiệu thư pháp, vẽ chân dung, giao lưu nghệ thuật dân gian (biểu diễn ca trù, hát xẩm, chầu văn).
Lễ hội cồng chiêng sẽ diễn ra với canavan cồng chiêng trên đường phố, đám rước vật thiêng, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, hát múa cộng đồng, ẩm thực bản địa; Các trò chơi dân gian: đua bè vượt sông, bắt cá suối, đi cầu tre, chuyển lương qua suối.