Khi vừa được giao nhiệm vụ dẫn dắt một SHB Đà Nẵng khởi đầu liêu xiêu tại V-League 2008, Lê Huỳnh Đức chẳng được dành nhiều niềm tin. Cũng phải thôi, khi những Trần Vũ, Phan Công Thìn và gần nhất là Phan Thanh Hùng đều nếm trải cay đắng nhiều hơn vinh quang. Thế nhưng, V-League 2009 đã ghi nhận thành công vượt trội của nhà cầm quân trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề với một tâm thế vững vàng, một bản lĩnh đáng nể.
|
|||
Lê Huỳnh Đức đã biết đặt “dấu ấn” của mình rất đúng lúc với bóng đá Đà Nẵng. |
Tiếp xúc với Đức, sẽ có hai luồng ý kiến khác nhau về HLV này. Người không thích, bảo anh khó gần. Người am hiểu lại thấy cái “chất Lê Huỳnh Đức” khá rõ. Cái “chất” ấy được biểu hiện bằng vẻ ngoài “khó gần” và khá “lạnh”. Nhưng nhờ thế, Đức mới có thể quản được một tập thể không thiếu những cầu thủ được xem là “ngôi sao” để SHB Đà Nẵng trở thành một đội bóng chuyên nghiệp thực sự.
Nói đến những thành công ban đầu, Lê Huỳnh Đức thường bảo: “Tôi có may mắn khi làm việc trong một môi trường thuận lợi với một lực lượng cầu thủ tương đối đồng đều, Ban huấn luyện quy tụ được cầu thủ và được sự hỗ trợ đầy tâm huyết của lãnh đạo thành phố lẫn nhà tài trợ”. Thế nhưng, lắm HLV tiền nhiệm ở Đà Nẵng đã phải cay đắng ra đi dù cũng có những điều kiện tương tự.
Cho nên, sòng phẳng mà nói, Lê Huỳnh Đức đã làm được cái điều tưởng chừng khó nhất trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp và cũng không ít khắc nghiệt. Đó chính là khả năng “triệt tiêu” tư tưởng “ngôi sao” hay sẵn sàng mạnh tay với những ý đồ “nổi loạn”. Việc loại bỏ Amaobi hay gần đây là Molina cho thấy, Lê Huỳnh Đức là một HLV quyết đoán, dám làm và dám chịu về những quyết định của mình.
Trong một lần tâm sự, Đức cho biết: “Dù rất tiếc khi loại Molina, nhưng để duy trì sự ổn định của đội bóng, tôi không ngần ngại. Khi một cầu thủ vi phạm quy chế và phải xử lý đến lần thứ ba, sẽ không có một ngoại lệ bất kỳ. Bởi chỉ cần một lần xuê xoa, những cầu thủ khác cũng có thể lặp lại sai lầm trước đó của đồng đội. Và như thế, nội bộ của đội bóng sẽ ra sao? Ngay như Nguyễn Rogerio, sau khi vi phạm, tự khắc bản thân cầu thủ này biết cần phải làm gì để thực hiện đúng quy chế của đội”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, cái được lớn nhất mà Đức mang lại cho các cầu thủ Đà Nẵng là đã tạo dựng một nền tảng vững vàng về ý thức. Không ngẫu nhiên mà hầu như các cầu thủ SHB Đà Nẵng đều không dám chơi bời “tẹt ga” như trước! Những bài tập nặng luôn là rào cản cho những tư tưởng ăn chơi, rất dễ xảy ra với các cầu thủ không thiếu tiền bạc hiện nay.
Lê Huỳnh Đức từng thổ lộ: “Tôi chưa bao giờ rình rập cầu thủ như không ít HLV. Thậm chí, Ban huấn luyện cũng hết sức tế nhị khi luôn ra về trước trong những cuộc vui của đội, của các cầu thủ để các em có được sự thoải mái. Thế nhưng, chỉ cần qua buổi tập sau đó, rất dễ nhận thấy cầu thủ nào chưa ý thức trong sinh hoạt...”.
Từ việc xây dựng được nền tảng của ý thức chuyên nghiệp cho các học trò, nhà cầm quân trẻ tuổi này đã biến SHB Đà Nẵng từ “tập hợp của những ngôi sao” thành một đội bóng có kỷ luật. Và từ cách dùng người cho đến những phương pháp quản quân - đủ cả tình lẫn lý - Lê Huỳnh Đức đang cùng SHB Đà Nẵng hướng đến những mục tiêu mới khi mùa giải 2010 chỉ mới khởi đầu...
BẢO AN