Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

ĐNĐT: - Ngày 18-4 (nhằm ngày 16-3 năm Tân Mão), tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), 13 tộc họ tiền hiền cùng 27 dòng họ hậu hiền trên huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đã quên mình để gìn giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước.
Ngày 18-4 (nhằm ngày 16-3 năm Tân Mão), tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), 13 tộc họ tiền hiền cùng 27 dòng họ hậu hiền trên huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đã quên mình để gìn giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ trong cả nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam mà ông cha đã không tiếc máu xương để gìn giữ.

Lễ được tổ chức theo lễ thức truyền thống của các tộc họ trên đảo, tái hiện những đội thuyền năm xưa ra đi bảo vệ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc; trong đó, ngoài việc cúng tại các nhà thờ của từng Tộc họ, các Tộc họ trên đảo cùng nhau tổ chức lễ tại đình làng, lễ thả thuyền, lễ hội đua thuyền... từ 16 đến 20 tháng 3 âm lịch.

Chiều 17-4, cũng tại đình làng An Vĩnh, cộng đồng dân cư và các tăng ni phật tử trên huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ cầu siêu cho vong linh các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã quên mình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc từ hàng trăm năm trước.

Theo chính sử của Triều Nguyễn, Đội Hoàng Sa được lập từ thời "đầu bản triều" tức thời các chúa Nguyễn thiết lập bộ máy chính quyền ở phía Nam Tổ quốc và hoạt động liên tục trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa suốt hơn 3 thế kỷ, từ thời chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn.

Ngay từ buổi đầu lập đội Hoàng Sa, với 70 binh phu của hai làng An Vĩnh và An Hải giỏi nghề đi biển đi bằng 5 chiếc thuyền câu ra vùng biển Hoàng Sa để đo đạc, cắm cột mốc chủ quyền.

Họ được được cấp mỗi người 6 tháng lương thực và 1 chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và 1 thẻ bài ghi danh tánh để nếu rủi ro xảy ra thì được bó xác lại và thả xuống biển, ngõ hầu mong có người vớt chôn và biết tên họ. Dùng thuyền buồm để tuần tra canh phòng tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cứ tháng 2 âm lịch ra đi đến tháng 8 âm lịch lại dong buồm trở về đảo Lý Sơn.

Những binh phu đi làm nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc không mấy người được trở về, thịt xương và linh hồn họ đã hòa vào biển cả. Vì thế, mỗi lần các binh phu chuẩn bị đi Hoàng Sa-Trường Sa là các tộc họ lại làm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
TTXVN

Đọc thêm