Lễ Vu Lan (Rằm tháng bảy): Báo hiếu cha mẹ- nét đẹp truyền thống người Việt

Lễ Vu Lan, ngày “xá tội vong nhân” diễn ra vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều gia đình tổ chức lễ Vu Lan sớm hơn, từ sau ngày mồng một tháng bảy đến trước ngày 15-7 âm lịch. Đây là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo tôn vinh tấm lòng hiếu nghĩa của những người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu Lan, ngày “xá tội vong nhân” diễn ra vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều gia đình tổ chức lễ Vu Lan sớm hơn, từ sau ngày mồng một tháng bảy đến trước ngày 15-7 âm lịch. Đây là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo tôn vinh tấm lòng hiếu nghĩa của những người con đối với cha mẹ.

Báo hiếu cha mẹ

Theo Thượng tọa Thích Thanh Giác, Phó trưởng Ban trị sự Thành Hội Phật giáo Hải Phòng, lễ Vu Lan, Tết Trung nguyên (rằm tháng bảy) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo nhằm tôn vinh, giáo dục tấm lòng hiếu nghĩa của những người con đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Lễ Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Theo kinh Vu Lan, khi còn sống, mẹ của Mục Kiền Liên làm một số điều ác, nên khi chết bị đày xuống địa ngục, bị ma quỷ, đói khát hành hạ khổ sở. Mục Kiền Liên tu hành đắc đạo, nhớ mẹ và muốn biết mẹ mình giờ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm mẹ. Khi thấy mẹ bị hành hạ dưới địa ngục, Mục Kiền Liên tìm Phật nhờ ra tay cứu mẹ. Đức Phật bảo Mục Kiền Liên phải vận động, nhờ hợp lực của chư tăng mười phương mới mong cứu được mẹ. Và ngày rằm tháng bảy chính là ngày thích hợp để sắm sửa lễ vật, thức ăn cúng chư tăng mười phương. Nhờ đó, mẹ của Mục Kiền Liên đã được siêu thoát. Từ đó, lễ Vu Lan hay là ngày “xá tội vong nhân” trở thành một trong những ngày lễ của Phật giáo và người dân các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Cùng với việc báo hiếu cha mẹ, tổ tiên, các gia đình còn cúng cháo, xôi, chè, hương, hoa, bánh, trái cho những linh hồn đói khát, vất vưởng,  những người không có ai thờ phụng (gọi là cúng chúng sinh). Việc tổ chức lễ Vu Lan với ý nghĩa con cái báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên và giúp đỡ những oan hồn tội nghiệp tạo nên nét đẹp trong đời sống văn hóa và tâm linh người Việt.

Đốt vàng mã trong ngày cúng Rằm tháng bảy.

Đốt vàng mã- lãng phí và không an toàn

Có một thực tế, việc tổ chức lễ Vu Lan thường gắn liền với tục đốt vàng mã cho cha mẹ và người thân đã qua đời. Theo một số tài liệu của Phật giáo, tục đốt vàng mã du nhập vào nước ta từ Trung Quốc, thời Bắc thuộc. Quan điểm của nhà Phật cho rằng, đốt vàng mã là sự mê tín, nên Phật giáo không hướng dẫn phật tử đốt vàng mã trong ngày lễ Vu Lan hay bất cứ ngày lễ nào. Thực tế, các quốc gia có đạo Phật đã bỏ tục đốt vàng mã hoặc chỉ đốt tượng trưng để tránh lãng phí. Nhà nước ta cũng cấm đốt vàng mã, nhưng người dân chỉ thực hiện tốt ở thời bao cấp, do đời sống khó khăn. Những năm gần đây, việc sản xuất, buôn bán và đốt vàng mã trở nên phổ biến trong xã hội, gây lãng phí tiền bạc.  

Đốt vàng mã trong ngày cúng Rằm tháng bảy - sự thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ.

Thượng tọa Thích Thanh Giác cho rằng, con cái muốn bày tỏ lòng hiếu nghĩa với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, nên chăm sóc chu đáo khi cha mẹ còn sống. Khi cha mẹ đã qua đời, theo Phật giáo, muốn cha mẹ siêu sinh, tịnh độ, con cái cần phải tu dưỡng, tu thân, tu thiện, tu đức, bố thí rất nhiều. Bởi vậy, mọi người hãy báo hiếu cha mẹ ngay từ khi cha mẹ còn sống, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, làm nhiều điều thiện, điều tốt, tránh làm những điều xấu, đi ngược lại truyền thống, đạo lý và luật pháp. Việc thờ phụng, nhớ ơn cha mẹ sau khi qua đời là ở trong tâm mỗi người, không nên bày vẽ cỗ bàn tốn kém và đốt vàng mã phung phí./.  

                                                                                                                                                                    Bích Hạnh  

Đọc thêm