|
Thị trường trầm lắng mà lãi suất cao, doanh nghiệp BĐS đang “ngồi trên đống lửa”. Ảnh minh họa |
Giao dịch trầm lắng, kiện tụng ồn ào
Chừng 5 năm trước, khi thị trường bất động sản (BĐS) khu vực phía Bắc hoàn toàn nằm trong tay người bán, việc những người dân sống trong khu đô thị cao cấp The Manor đấu tranh với chủ đầu tư đòi phân định rạch ròi phí quản lý, điều hành khu nhà, khu vực để xe… từng được phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau. Thế rồi, những gì diễn ra ở The Manor nhanh chóng bị rơi vào quên lãng, vì đa phần người tiêu dùng đang phải quan tâm tới việc làm sao mua được nhà với mức chênh càng thấp càng tốt, bởi cứ mua được nhà đã là “thắng”.
Thế rồi, đúng lúc thị trường BĐS trầm lắng nhất thì cũng là thời điểm phát sinh hàng loạt vụ khách hàng khiếu nại chủ đầu tư. Ồn ào nhất là vụ kiện chủ đầu tư của các cư dân sống tại tòa nhà KeangNam – tòa nhà nổi bật nhất và cũng đắt giá bậc nhất Hà Nội. Đầu tiên là về chuyện thu phí với mức cắt cổ, rồi lộ ra chuyện chất lượng khu nhà ở 5 sao vẫn còn nhiều "sạn".
Cuộc đối thoại giữa chủ đầu tư KeangNam Việt Nam với 920 hộ dân nơi đây đã không có được tiếng nói chung, khiến luật sư Bùi Quang Hưng đại diện cho các hộ dân phải tuyên bố với báo chí là “sẽ gửi thư lên Ngân hàng Nhà nước tố cáo chủ đầu tư thu tiền mua căn hộ bằng USD và yêu cầu UBND TP. Hà Nội lập đoàn kiểm tra về các mức phí”.
Trong khi “việc KeangNam” chưa ngã ngũ thì cách đó không xa, những người đã đặt tiền cọc mua căn hộ chung cư cao cấp MulberryLane tại KĐT Mỗ Lao đã gửi đơn lên TAND quận Hà Đông khởi kiện chủ đầu tư đã vi phạm Pháp lệnh ngoại hối khi tính giá bán căn hộ và thu tiền bằng USD. Nội dung khiếu nại tương tự thế này cách đây gần 2 năm cũng đã gây chú ý khi hàng chục khách hàng dự án Hattoco tố cáo chủ đầu tư là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình và vụ việc lôi kéo cả sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.
Ở một góc độ khác, trong danh mục “bị kiện” liên quan đến chất lượng công trình, có sự góp mặt của những dự án tên tuổi như Golden WestLake hay Lê Văn Lương Residential, Chealsea Park, Royal City, AZ Land…
Suy thoái cũng là một cơ hội
Có lẽ chưa bao giờ trên thị trường BĐS lại xảy ra hiện tượng các chủ đầu tư đồng loạt bị người mua nhà khiếu nại, đòi kiện như hiện nay. Đó là do niêm yết giá bán nhà bằng USD, hay kín kẽ hơn thì thanh toán bằng Việt Nam đồng nhưng quy đổi theo tỷ giá USD; dự án khác thì bàn giao nhà chậm tiến độ đến cả 5 - 6 năm trời, hay bàn giao nhà giá trị cả chục tỷ đồng nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện, phí dịch vụ thu vượt quy định gấp nhiều lần…
Trong lĩnh vực BĐS, thật ra quyền lợi của người tiêu dùng gần như chưa bao giờ được xem trọng do sự chênh lệch cung – cầu quá lớn. Lợi dụng “tâm lý đám đông” của một bộ phận nhà đầu tư đang say sưa trong cơn sốt ảo của thị trường BĐS, các chủ đầu tư đã đưa ra các bản hợp đồng trong đó có nội dung vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía mình, không phải nhà đầu tư không biết các chủ đầu tư đang làm sai quy định, nhưng vào giai đoạn cơn sốt BĐS đang ở cao trào, họ đã nhắm mắt cho qua với tâm lý “của mua là của được”. Đến bây giờ, khi BĐS vào thời ảm đạm và dần trở về với đúng giá trị của nó, thì những “méo mó” tồn đọng bao nhiêu năm trên thị trường mới bộc lộ mạnh mẽ.
“Lúc này, khi mọi điều kiện của thị trường đều bất lợi cho người tiêu dùng, chúng tôi phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Rõ ràng, chúng tôi đã nhận được không ít kinh nghiệm sau khi chi trả học phí cho thị trường” – một khách hàng dự án Mulberry Lane phàn nàn với phóng viên. Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh – Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, một khi người tiêu dùng ý thức rõ ràng đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, tức là thị trường đã cân bằng hơn. Điều đó cũng thể hiện thị trường BĐS Hà Nội đang vận động tới ngưỡng hợp lý, nơi cả người mua và người bán đều có những vị thế của mình.
Bách Nguyễn