LHQ ra nghị quyết lên án trấn áp dân thường Syria

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 16/2 đã thông qua một nghị quyết lên án sự trấn áp bạo lực nhằm vào dân thường tại Syria, kêu gọi Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngừng ngay cuộc trấn áp này, bất chấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, thành phố nổi dậy Homs ở miền Trung Syria sáng qua (17/2) đã trở thành mục tiêu của “các cuộc không kích dữ dội nhất kể từ 14 ngày qua” do lực lượng của chính quyền tiến hành.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 16/2 đã thông qua một nghị quyết lên án sự trấn áp bạo lực nhằm vào dân thường tại Syria, kêu gọi Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngừng ngay cuộc trấn áp này, bất chấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, thành phố nổi dậy Homs ở miền Trung Syria sáng qua (17/2) đã trở thành mục tiêu của “các cuộc không kích dữ dội nhất kể từ 14 ngày qua” do lực lượng của chính quyền tiến hành.

Thành phố Homs bị không kích dữ dội hôm qua.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra 12 ngày sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết một văn bản tương tự tại Hội đồng Bảo an. Trong số 193 quốc gia thành viên Đại hội đồng, 137 quốc gia đã bỏ phiếu thuận đối với văn bản mới, 12 quốc gia bỏ phiếu chống (trong đó có Nga, Trung Quốc, Cuba, Iran, CHDCND Triều Tiên hoặc Venezuela) và 17 quốc gia bỏ phiếu trắng. Đại sứ Nga tại LHQ cho biết nước ông bỏ phiếu chống đối với nghị quyết này vì nó không bao hàm những sửa đổi mà Mátxcơva đề xuất, trong khi người đồng cấp Trung Quốc nói rằng nghị quyết này chẳng khác nào sự can thiệp quá mức vào các vấn đề của một quốc gia có chủ quyền.

Về phần mình, ngay trước phiên bỏ phiếu, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari tuyên bố nghị quyết trên tương đương với hành động can thiệp vô căn cứ vào nội tình Syria. Ông khẳng định việc thông qua nghị quyết này, 10 ngày trước một cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới cho "một nhà nước Syria dân chủ hiện đại," sẽ chỉ "làm trầm trọng cuộc khủng hoảng và gây thêm căng thẳng trong khu vực." Ông cũng tuyên bố LHQ đang có nguy cơ bị "một số quốc gia thành viên lợi dụng" làm công cụ để che chở cho "các nhóm khủng bố vũ trang".

Nghị quyết mới yêu cầu Chính phủ Syria chấm dứt các vụ trấn áp bạo lực nhằm vào những người bất đồng chính kiến, ủng hộ những nỗ lực của Liên đoàn Ả rập để đảm bảo một cuộc chuyển giao dân chủ tại Damascus và khuyến nghị bổ nhiệm một đặc phái viên của LHQ đến Syria. Tuy nhiên, văn bản này được đánh giá là chủ yếu mang tính tượng trưng bởi Đại hội đồng là một cơ quan tham vấn, nơi mà quyền phủ quyết không tồn tại. Hội đồng Bảo an thì vẫn không thể hiện được vai trò của mình kể từ đầu cuộc khủng hoảng ở Syria tháng 3/2011. Cơ quan này đã bị “chặn lại” lần thứ hai hôm 4/2 bởi sự phủ quyết của hai nước Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn đánh giá tầm quan trọng của nghị quyết nói trên. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh cuộc bỏ phiếu “đã được chờ đợi từ lâu”, đồng thời mời “chính quyền Syria lắng nghe lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và tiếng nói của nhân dân Syria”.

Trong khi đó, tại thành phố Homs của Syria, tình hình trở nên căng thẳng hơn. Lực lượng của chính quyền Syria đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhất kể từ 14 ngày qua. “Thật không thể tin nổi, đó là một vụ bạo lực cực độ, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự việc như vậy. Cứ trung bình mỗi phút có 4 quả rốc-két được bắn ra”, Hadi Abdallah – thành viên của Ủy ban cách mạng Syria – khẳng định. Ông này nói thêm: “Có hàng nghìn người tại Homs bị cô lập với thế giới, đó là một tội ác chiến tranh”.

Lực lượng của chính quyền Bachar al-Assad đã thả bom xuống thành phố Homs kể từ ngày 4/2 để cố gắng dập tắt cuộc nổi dậy ở đây. Nhiều khu dân cư thiếu lương thực, không thể liên lạc với thế giới bên ngoài vì lý do đường dây viễn thông và internet bị cắt. Kể từ giữa tháng 3 năm ngoái, cuộc trấn áp bạo lực đã khiến hơn 6.000 người chết, bất chấp sự lên án hàng ngày từ cộng đồng quốc tế.

Phúc Lợi (Theo AFP, BBC)

Đọc thêm