Lịch sử Việt Nam qua cách làm mới của “vua ảnh cổ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong khi cộng đồng mạng xôn xao bàn tán về việc học lịch sử thì nhà sưu tầm Đoàn Bắc vẫn cần mẫn thực hiện tiếp sứ mệnh của mình theo lời di huấn của cha mình - tiếp tục kể lại những câu chuyện xưa qua ảnh.
Lịch sử Việt Nam qua cách làm mới của “vua ảnh cổ”

Vẹn nguyên một đam mê

Đoàn Bắc là cái tên quen thuộc trong khá nhiều lĩnh vực như sưu tầm ảnh cổ, nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam, cả giới nhiếp ảnh và báo chí, những người yêu biển đảo Trường Sa. Dù vậy, tất cả đều xuất phát điểm từ tình yêu quê hương, đất nước và đam mê sáng tạo bằng hình ảnh (cả ảnh xưa lẫn ảnh mới).

Ai đã từng tiếp xúc với Đoàn Bắc từ khoảng hơn chục năm gần đây sẽ dễ dàng nhận ra một tình yêu quê hương, bản quán cực kỳ sâu nặng của anh. Bắt đầu từ tình yêu Hà Nội (quê gốc) tình yêu của anh lan ra cả đất nước Việt Nam, nhất là những nơi anh đã từng đặt chân qua những chuyến công tác ngắn hoặc dài ngày. Một trong những địa danh của Việt Nam gắn bó với “thương hiệu” của Đoàn Bắc nhất sau Hà Nội chính là quần đảo Trường Sa mà anh luôn coi như quê hương thứ hai của mình kể từ năm 2012.

Mỗi người có cách thể hiện tình yêu quê hương khác nhau. Còn với Đoàn Bắc, anh đã chọn cách thể hiện thông qua các bức ảnh xưa (sưu tầm lại) kết nối với những bức ảnh mới nhất (chủ yếu bằng ngôn ngữ báo chí) hoặc chia sẻ rộng rãi với cộng đồng thông qua các triển lãm ảnh ấn tượng gắn với những sự kiện truyền thông đầy ý nghĩa.

Chất Hà thành trong con người Đoàn Bắc thể hiện qua sự tỉ mỉ đến mức cầu toàn trong công việc, nhưng cũng rất phóng khoáng và sẵn sàng táo bạo đến mức không mấy ai ngờ tới. Bắt đầu từ ý tưởng phục chế gần 2.000 bức ảnh xưa về Hà Nội năm 2008-2010 để công bố đúng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đến chuỗi triển lãm hàng nghìn bức ảnh xưa của Việt Nam ở khắp nơi (trường học, đình làng, nhà hát lớn, carnival du lịch, hải đảo xa bờ,... và trên internet). Từ những phóng sự ảnh và truyền hình chưa có tiền lệ được thực hiện mới về Trường Sa đến những triển lãm ảnh quy tụ hàng nghìn bạn trẻ tham gia ở các trường phổ thông và đại học (từ Học viện Ngoại giao và Hà Nội đến Đà Nẵng, đảo Lý Sơn, đảo Phú Quốc và hàng chục chuyến tàu từ đất liền ra Trường Sa).

Nhiếp ảnh gia Đoàn Bắc.

Nhiếp ảnh gia Đoàn Bắc.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, Đoàn Bắc tiếp tục bùng nổ với những khóa đào tạo trực tuyến về sáng tạo hình ảnh (chụp ảnh, video) chỉ cần dùng bằng điện thoại thông minh. Mỗi khóa học ngắn chỉ vài buổi về từng chủ đề thân thuộc nhất như ẩm thực, chân dung, hoa lá, trẻ con đã giúp cho tinh thần của nhiều người và nhiều gia đình cảm thấy cuộc sống đỡ nhàm chán hoặc có ý nghĩa hơn. Những khóa học này đã thu hút mọi lứa tuổi, mọi trình độ học vấn ở cả trong và ngoài nước cùng tham gia rất nhiệt tình.

Những dự án sáng tạo mới

Sau buổi liên hoan nhỏ vào tháng 10/2020 kỷ niệm 10 năm ra mắt công chúng với bộ sưu tập ảnh “Ký ức Hà Nội xưa”, sự nghiệp của Đoàn Bắc đã bước sang những trang mới. Anh không còn đơn độc do đã có nhiều cộng sự và đồng nghiệp, công chúng luôn sát cánh cùng anh. Cũng từ thời điểm này, anh đã tự đổi mới mình thông qua đam mê áp dụng các công nghệ sáng tạo hình ảnh mới nhất của thế giới.

Các chủ đề ảnh được Đoàn Bắc lần lượt công bố cũng qua sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn và đặc biệt nâng cao về chất lượng hình ảnh (độ phân giải cao, khổ in lớn) và đặc biệt là nội dung chú thích ảnh cùng với thông tin về nơi đang lưu trữ ảnh gốc xưa (cả ở trong và ngoài nước).

Với sự hợp tác mới cùng nhiếp ảnh gia Lê Bích vốn là nhà nghiên cứu lâu năm về văn hóa truyền thống, Đoàn Bắc đã có những triển lãm ảnh xưa & nay cả trực tiếp (offline) lẫn trực tuyến (online) bằng công nghệ thực tế ảo hoành tráng về Trung thu, Tết Nguyên đán năm 2021 (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) và mới nhất là hai trriển lãm ảnh nhân dịp 30/4 – 1/5/2022 tại Hà Nội (do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức).

Trong các dự án mới này, triển lãm trưng bày 60 bức ảnh cổ 1875-1935 đã được số hóa về “Nhạc công và Âm nhạc cổ truyền Việt Nam” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Anh từ 22/4 đến 21/5) đang thu hút sự quan tâm nhất của những người yêu âm nhạc Việt Nam. Cùng với triển lãm ảnh nghệ thuật “Việt Nam - Một dải yêu thương” tại bờ hồ Hoàn Kiếm cùng thời điểm (từ 22/4 đến 31/5/2022), Đoàn Bắc và các cộng sự cũng chính thức ra mắt thương hiệu “3G Cộng” cho nhóm hoạt động sáng tạo hình ảnh không giới hạn của mình.

Một số ảnh trong bộ ảnh.

Một số ảnh trong bộ ảnh.

Đoàn Bắc và Lê Bích cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo uy tín (đứng đầu là NSNA – Nhà báo Phạm Tiến Dũng) đã thành lập Nhóm tác giả và Studio 3G cùng trực thuộc Công ty TNHH Đào tạo trực tuyến 3G Cộng. Đây là nơi quy tụ những nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia và các phóng viên ảnh chuyên nghiệp (không phân biệt tuổi tác, giới tính, lứa tuổi nơi cư trú) cùng với các công nghệ sáng tạo mới nhất thế giới để mang đến sự thưởng thức tối ưu nhất cho công chúng. Từng công đoạn như tìm kiếm và sưu tầm tư liệu, xử lý ảnh kỹ thuật số, in ấn, trưng bày đều do đội ngũ các cộng sự, đối tác rất chuyên nghiệp thực hiện.

Bộ ảnh đặc sắc và sự khởi đầu mới

Âm nhạc luôn là chủ đề văn hóa thu hút sự quan tâm và theo dõi thường xuyên nhất của công chúng mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội. Cũng vì lý do này, Đoàn Bắc cùng các cộng sự đã âm thầm chuẩn bị suốt nhiều năm qua cho bộ ảnh cổ đầy giá trị này. Với mong muốn thông qua âm nhạc và tư liệu lịch sử về âm nhạc sẽ giúp truyền thụ cho công chúng hiểu hơn văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Có lẽ sẽ bắt đầu từ ảnh hưởng đối với công chúng của chính những ngôi sao trong làng âm nhạc Việt Nam đương đại thông qua việc trân trọng và quảng bá bộ ảnh ý nghĩa này.

Sớm nhận ra giá trị lan tỏa của bộ ảnh, Thành ủy TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ tổ chức trưng bày toàn bộ 60 bức ảnh (phiên bản đầu tiên) ngay trong dịp kỷ niệm 30/4 – 1/5/2022 dù các hình ảnh giới thiệu lịch sử từ năm 1875 – 1935 không chỉ của Hà Nội.

Ông Đoàn Bắc giới thiệu bộ ảnh với khách tham quan.

Ông Đoàn Bắc giới thiệu bộ ảnh với khách tham quan.

Chủ biên của bộ ảnh – Đoàn Bắc tâm sự: “Chúng tôi và Ban Tổ chức đã nỗ lực hết khả năng rồi, giờ chỉ còn chờ đợi tình cảm và sự đón nhận của công chúng bắt đầu từ các ngôi sao âm nhạc nổi tiếng thôi. Một lần ghé thăm triển lãm trong dịp từ 22/4 đến 21/5 hoặc trưng bày trân trọng vài bức ảnh (từ nguồn sưu tập chính gốc) tại nhiều nơi phù hợp chắc cũng không quá khó với các ngôi sao và người yêu âm nhạc cổ truyền Việt Nam”.

Từ là thạc sĩ - kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa, nhà sưu tầm và nghiên cứu ảnh, phóng viên và nhiếp ảnh gia, nhưng sự tập trung số một của Đoàn Bắc bây giờ là công việc đào tạo để truyền thụ lại những gì tốt nhất mà mình đã biết và sẽ cập nhật thường xuyên cho các học viên – công chúng đủ mọi lứa tuổi. Anh vừa khởi nghiệp muộn màng ở tuổi 46 với Công ty TNHH Đào tạo trực tuyến 3G Cộng nhưng chắc chắn anh đang và sẽ không đi một mình.