Lịch trình các hoạt động 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long

20h tối 1/10 Cầu truyền hình “Cả nước với Hà Nội” được tổ chức trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tại đầu cầu Hà Nội có Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp đặc biệt, kết hợp trình diễn áo dài xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cũng thời gian này sẽ diễn ra Chương trình hòa nhạc Hội nhập Quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Xem các hoạt động Đại lễ ở đâu?

Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin du lịch Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho biết, đến thời điểm này, các chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ Đại lễ đã cơ bản hoàn tất. Hơn 50 chương trình, hoạt động của Đại lễ diễn ra ở ngoài trời, người dân Thủ đô và du khách đều có thể tham dự, chi tiết về thời gian địa điểm cụ thể xem ở website: www.thanglonghanoi.gov.vn

Ảnh minh họa

Một trong những tâm điểm của Đại lễ là Lễ khai mạc được tổ chức trọng thể vào sáng 1/10 tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

 Sau phần nghi lễ quốc gia của lễ khai mạc, sẽ công diễn vở kịch "Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh" kể lại câu chuyện lập quốc từ thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đến nay, với hình ảnh Hà Nội là Thành phố Anh hùng, Thành phố vì hoà bình. Lễ đài Quảng trường Ba Đình ngày 2/9; hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, hình ảnh  ngày 10/10/1954 khi Chính phủ về tiếp quản Thủ đô; cuộc họp của Bộ Chính trị quyết định tổng tấn công mùa Xuân năm 1975... sẽ được tái hiện. Ngay sau đó, 9h30 là chương trình biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Cũng nằm trong chương trình ngày khai mạc Đại lễ, 20h tối 1/10 Cầu truyền hình “Cả nước với Hà Nội” được tổ chức trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tại đầu cầu Hà Nội có Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp đặc biệt, kết hợp trình diễn áo dài xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cũng thời gian này sẽ diễn ra Chương trình hòa nhạc Hội nhập Quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Ngày 2/10, lúc 8h sáng Hoàng Thành Thăng mở cửa đón du khách trong và ngoài nước, khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Để phục vụ tốt nhất cho khách tham quan, các đơn vị đã bổ sung trưng bày hiện vật và tư liệu cách mạng tại hầm và nhà D67; trưng bày các hiện vật, cổ vật tiêu biểu về Thăng Long – Hà Nội tại nhà N31, N33; trưng bày tư liệu mới về Thành cổ Hà Nội tại nhà N14. Tiếp đó, lúc 9h, lễ ra mắt tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm. Hàng ngàn đầu sách ra mắt dịp này được coi là kho tàng tri thức vô cùng quí báu về Hà Nội gửi cho các thế hệ mai sau.

Có lẽ, hầu hết mọi người đều háo hức chờ đón ngày 10/10 - ngày Đại lễ. Từ 8h sáng sẽ diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Theo kế hoạch, lực lượng tham gia các nghi thức nêu trên tại sân Quảng trường Ba Đình lên tới trên 2 vạn người. Sẽ có đoàn rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp lên đài lửa. Trong lúc cử Quốc thiều, tất cả mọi người hát Quốc ca, đồng thời bắn 21 loạt đại bác tại Sân vận động cột cờ Hà Nội.

Sau khi Chủ tịch nước đọc diễn văn kỷ niệm, dàn hợp xướng và kèn đồng biểu diễn tác phẩm âm nhạc ngợi ca Hà Nội, thiếu nhi sẽ thả bóng bay và 1000 chim bồ câu lên bầu trời. Mở đầu buổi diễu binh, diễu hành, 10 chiếc máy bay trực thăng bay đội hình hàng dọc, theo đường Hùng Vương từ hướng sông Hồng vào Hà Đông mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, dải lụa đỏ ghi dòng chữ “1000 năm Thăng Long-Hà Nội”. Khối nghi trượng gồm 3 khối: Xe mô hình Quốc huy có 54 dải lụa, 108 người (54 nam, 54 nữ) đại diện cho 54 dân tộc anh em, nam cầm dải lụa, nữ cầm hoa đi hai bên; Khối 200 vận động viên thể dục thể thao mặc đồng phục mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc; Xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 120 thiếu nhi tay cầm hoa sen đi hai bên. Khối diễu binh gồm đại diện cho lực lượng vũ trang hiện đại, quân nhạc, lục quân, không quân, hải quân, biên phòng, đặc công, an ninh nhân dân, cảnh sát nhân dân, dân quân tự vệ... 

Hầu hết các hoạt động trong dịp Đại lễ người dân thủ đô và du khách được vào cửa tự do. Riêng với lễ diễu binh, diễu hành vào sáng 10/10, ngoài các tuyến phố xung quanh khu vực quảng trường Ba Đình người dân có thể đứng xem các đoàn diễu binh, tại các khu dân cư tập trung đông người, tụ điểm công cộng. Sẽ có 20 màn hình lớn (rộng khoảng 12m trở lên) để người dân có thể theo dõi.

Tại các quận huyện trên địa bàn Thủ đô, trong 10 ngày Đại lễ sẽ liên tục có 300 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước, 38 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật nước ngoài./.

Điểm các hoạt động chính trong 10 ngày Đại lễ (từ 1/10 - 10/10):

*Ngày 1/10: 8h00: Lễ khai mạc Đại lễ tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

9h30: Biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

* Ngày 2/10: 8h00: Khai mạc Trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 Hoàng Diệu và 19 Nguyễn Tri Phương, Ba

* Ngày 3/10: 7h00: Giải chạy truyền thống Báo Hànộimới Vì hòa bình xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

* Ngày 4/10: 17h00: Khai mạc Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

* Ngày 5/10: 20h00: Biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Chương trình ca nhạc tổng hợp Hùng khí Thăng Long - Bài ca đất nước tại sân vận động Hàng Đẫy.

* Ngày 6/10: 8h00: Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật diều - Hà Nội tại Quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

* Ngày 7/10: 20h00: Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

* Ngày 8/10: 20h00: Chương trình giao lưu Thăng Long - Hồn thiêng sông núi với sự tham gia của 1.000 Anh hùng và Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

* Ngày 9/10: 20h00: Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại nhiều sân khấu ngoài trời trên địa bàn thành phố.

* Ngày 10/10: Ngày Đại lễ: 8h00: Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình; 20h00: Đêm hội Văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Văn Anh

Đọc thêm