Liên Hiệp Quốc áp lệnh cấm vận Libya

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 26-2, đã nhất trí thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với Tổng thống Libya Muammar Gaddafi cùng các thành viên trong gia đình và những người thân cận của ông.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 26-2, đã nhất trí thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với Tổng thống Libya Muammar Gaddafi cùng các thành viên trong gia đình và những người thân cận của ông.

Tổng thống Libya Muammar Gaddafi (Ảnh: THX/TTXVN)
Nghị quyết 1970 được toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua trong phiên họp đêm 26-2. Theo đó, cấm mọi hoạt động bán vũ khí cho Libya, đồng thời cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối 16 nhân vật, trong đó có ông Gaddafi cùng các con và các thành viên khác trong gia đình ông, các quan chức quốc phòng và tình báo hàng đầu của Libya.

Nghị quyết còn yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hague điều tra và có thể truy tố những người chịu trách nhiệm về việc người biểu tình thiệt mạng ở Libya. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong đợt bạo lực vừa qua tại quốc gia này.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Tổng thống Libya Muammar Gaddafi và 4 con trai ông.
Theo đó, Washington sẽ thu giữ tài sản của ông Gaddafi và 4 con trai ông ở Mỹ, cũng như tài sản do các thể chế tài chính của Mỹ giám sát trên toàn cầu. Washington cũng đã đóng cửa Đại sứ quán Mỹ ở Libya.

Giới chức Mỹ lấy lý do lệnh trừng phạt trên nhằm mục đích ngăn chặn ông Gaddafi và các con trai ông tẩu tán tài sản và của cải quốc gia của Libya. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ Washington hy vọng biện pháp này có thể làm sụp đổ chính quyền hiện nay của Libya.
Bahrain thay 4 bộ trưởng
Trong khi đó, hàng nghìn người lao động nước ngoài tiếp tục rời khỏi Libya bằng đường bộ, đường thủy và đường không. Các quan chức cơ quan bảo vệ thường dân của Tunisia cho biết, kể từ khi xảy ra biểu tình đến nay, đã có hơn 38.000 người sơ tán khỏi Libya qua biên giới nước này.

Trong một diễn biến khác, tại Tunisia, hãng thông tấn nhà nước TAP, ngày 26-2 cho biết, đã có ba người thiệt mạng, chín người bị thương trong các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và cảnh sát ở trung tâm thủ đô Tunis. Trong số những người bị thương có các sĩ quan an ninh.

Tại Oman, ngày 26-2, Quốc vương Qaboos bin Said đã tiến hành cải tổ nội các, thay sáu bộ trưởng. Sắc lệnh nêu rõ việc tiến hành cải tổ nội các lần này là "vì lợi ích của dân chúng." Trước đó, ngày 19-2, khoảng 500 người đã tiến hành biểu tình hòa bình ở Oman yêu cầu cải tổ chính trị và tăng lương.

Cùng ngày tại Bahrain, Quốc vương Hamad bin Isaal Khalifa đã thay bốn bộ trưởng các bộ nhà ở, y tế, các vấn đề nội các và điện lực.

Theo các nhà quan sát, động thái này nhằm xoa dịu cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite đã tiến hành biểu tình trong thời gian qua phản đối sự cầm quyền của người Hồi giáo dòng Sunni ở Bahrain.

Quốc vương Bahrain vừa khởi động tiến trình đối thoại dân tộc, sau khi có bảy người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trong tuần qua.
TTXVN

Đọc thêm