Liên Hợp Quốc bế tắc về tình hình bạo lực tại Syria

Một ngày tranh luận về tình hình Syria tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Một ngày tranh luận về tình hình Syria tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Ngoại trưởng Anh, Mỹ tại cuộc họp. Ảnh: Telegraph
Ngoại trưởng Anh, Mỹ tại cuộc họp. Ảnh: Telegraph

Cuối ngày 31/1, HĐBA LHQ đã nhóm họp để thảo luận về việc có nên áp dụng một kế hoạch được cho là thể hiện “những nỗ lực lớn nhất của các nước láng giềng để vạch ra con đường và cơ hội phía trước cho Syria” do Liên đoàn Ả rập (AL) đưa ra.

Ả rập và các nước phương Tây trong cuộc họp đã hối thúc HĐBA đưa ra quyết sách đúng đắn về việc áp dụng nghị quyết của AL, mở đường cho Tổng thống Assad từ chức.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani cho rằng, tất cả các sáng kiến trước đó đều không thành công “vì chính quyền Damascus đã không có một nỗ lực đáng kể nào” để chấm dứt khủng hoảng mà lại đi “giết chính những người dân nước mình”.

“Máu vẫn tiếp tục đổ và cỗ máy giết người vẫn còn đó” – ông al-Thani thúc giục các thành viên HĐBA hành động nhưng nhấn mạnh quyền quyết định vẫn thuộc về người dân Syria. Anh, Pháp cũng đã kêu gọi LHQ ban hành nghị quyết và “thể hiện trách nhiệm của mình trước những người đang phải chịu khổ đau”.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì khẳng định, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ sụp đổ. “Chúng ta đều biết rằng Syria cần phải thay đổi. Với các chính sách tàn bạo, chính quyền của Assad chắc chắn sẽ sụp đổ. Vấn đề là, sẽ có thêm bao nhiêu dân thường sẽ chết trước khi đất nước này thay đổi” – bà Clinton nhấn mạnh.

Nữ Ngoại trưởng cũng nói rằng tình hình ở Syria có thể sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát nhưng bác bỏ những lo ngại rằng Syria có thể sẽ phải chịu chung số phận giống Libya bắt đầu với việc can thiệp quân sự.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối việc phương Tây và AL gây sức ép yêu cầu LHQ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia Trung Đông này. “Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc các lực lượng của chính phủ dùng vũ lực chống lại dân thường. Nhưng chúng tôi cũng kịch liệt phản đối những hoạt động của các nhóm cực đoan vũ trang chống chính phủ” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Trung Quốc cũng đã phản đối mạnh mẽ việc áp đặt các biện pháp can thiệp vào Syria. “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Syria vì điều này vi phạm Hiến chương LHQ và các quy tắc quan hệ quốc tế cơ bản” – Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông phát biểu tại phiên họp.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton sau đó nói rằng các cuộc đàm phán sẽ được thực hiện bằng văn bản và rằng các nước trong HĐBA sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được thỏa thuận về vấn đề Syria.

Về phần mình, Đại sứ Syria tại LHQ, ông Bashar Jaafari, tuyên bố Damascus sẽ tiếp tục “trụ vững trước các đòn tấn công của kẻ thù” và lên án “chính sách 2 mặt và kích động bạo lực chống Syria của liên minh phương Tây - Ả rập.

Theo ước tính của LHQ, hơn 5.400 người đã thiệt mạng kể từ khi Syria lâm vào tình trạng bất ổn hồi tháng 3/2011. Theo các nhóm hoạt động vì nhân quyền, tình hình bạo lực tại nước này dường như đang diễn tiến theo chiều hướng gia tăng với hơn 100 người đã bị giết hại trong ngày 30/1 và ít nhất 37 người thiệt mạng trong ngày 31/1.

Dự thảo nghị quyết của LHQ lên án mạnh mẽ tình trạng vi phạm nhân quyền của chính phủ Syria và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng sử dụng vũ lực.

Thanh Tùng (Theo BBC)

Đọc thêm