Liên kết để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là nhu cầu bức thiết đặt ra tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” được Liên minh HTX Việt Nam tổ chức sáng 24/11
Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”
Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá Diễn đàn là cơ hội để lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, HTX thể hiện tâm tư nguyện vọng, đề xuất phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên HTX nông nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Vì vậy, HTX nông nghiệp cần được đặc biệt quan tâm. Tuy vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng thừa nhận, cái yếu của HTX là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là yếu quản trị. “HTX cần nhìn lại mình, tìm ra điểm nghẽn của chính mình. HTX cần phát triển xử lý điểm nghẽn nào. Liên minh HTX tham gia xử lý vấn đề gì, cơ quan quản lý cần tham gia xử lý vấn đề gì?” - Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, HTX phát triển bền vững mới giúp nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún tự phát. Câu chuyện này rất cần sự hỗ trợ của các Bộ ngành.

TS. Vũ Mạnh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) khẳng định chuyển đổi xanh, HTX nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
TS. Vũ Mạnh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) khẳng định chuyển đổi xanh, HTX nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, nông nghiệp bền vững phát triển hài hoà dựa trên 3 trụ cột: Có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; Bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và Không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai.

TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX.

Song song với đó là tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp. Ngoài ra, cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để HTX nông nghiệp tự thân phát triển bền vững

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế HTX thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”, là dịp để tuyên truyền xu hướng chính sách, ích lợi của sản phẩm nông nghiệp bền vững, khuyến khích sử dụng sản phẩm nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường trong nước, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Tại các quốc gia phát triển này đã và đang triển khai chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh, bởi yêu cầu, tiêu chuẩn của các khu vực ngày càng khắt khe.

Các yêu cầu hết sức khắt khe của thị trường EU mới được cập nhật và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm: Hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban châu Âu (EC), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0; Quy định không gây mất rừng (EUDR) được EC thông qua ngày 16/5/2023; Các yêu cầu cầu nhà xuất khẩu phải tuân thủ các đạo luật về Thỏa thuận xanh châu Âu, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)… “Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các HTX, doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn”, bà Nga nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao (Hòa Bình)
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao (Hòa Bình)

Tại Diễn đàn, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, HTX chuyên doanh sản phẩm nông nghiệp đã chia sẻ các quan điểm, thuận lợi, khó khăn và các kiến nghị thực tế nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển.

Ông Võ Văn Vang, Giám đốc Vùng nguyên liệu An Giang - Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Để phát triển bền vững, Lộc Trời đang đồng hành với chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đã ký cam kết với 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, nhưng còn nhiều việc phải làm. Vì vậy, Tập đoàn kiến nghị các Bộ, ngành hỗ trợ kết nối với địa phương khác, đồng hành với dự án; thứ hai, Lộc Trời không thể một mình liên kết với nông dân, HTX mà cần sự ủng hộ lớn về chủ trương, đường lối, hỗ trợ của các cấp địa phương; thứ ba, Lộc Trời đang liên kết với gần 100 HTX, có những HTX đủ mạnh nhưng cũng có HTX chưa tương xứng.

Vì vậy, cần nâng tầm, kết nối liên kết HTX để thực hiện thành công vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất mong sự hỗ trợ của các Bộ, ngành tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX.

Về chính sách đặc thù, Lộc Trời tâm đắc với 2 chính sách đã ban hành về hỗ trợ liên kết, kết nối với địa phương nhưng việc giải ngân, thủ tục nhiêu khê. Thực tế, hiện HTX và nông dân được giải ngân chỉ đếm trên đầu “ngón tay”. Theo đó, Lộc Trời mong muốn các các Bộ, ngành tháo gỡ nút thắt này. Cũng liên quan tới tín dụng, Lộc Trời đã tìm đến các ngân hàng, làm sao cung cấp tín dụng thông qua chuỗi liên kết, cho vay dựa trên tín chấp./.

Đọc thêm