Khoảng 10 ngàn nông hộ canh tác 25 ngàn ha chè trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã gắn bó với cây chè hàng chục năm nay. Với vùng chè dẫn đầu trong cả nước về diện tích, cây chè trên vùng đất B’Lao đã và đang tiếp tục khẳng định được vị thế. Và, cuộc sống của người nông dân trồng chè cũng ngày càng đi lên, khi họ đã biết liên kết để cùng phát triển.
|
Hái chè ở nông trường chè Tâm Châu. Ảnh Ngọc Minh |
Nếu như trước đây, người dân xứ Trà B’Lao chủ yếu trồng các giống chè Việt Nam thì 10 năm trở lại đây, họ đã dần làm quen với các giống chè mới, như: Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc… Những giống chè mới này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho hàng ngàn nông hộ. Đối với anh Vũ Văn Sơn (thôn 5, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm), cây chè đã giúp cho gia đình có cuộc sống ổn định. Năm 1994, anh Sơn bắt đầu trồng các giống chè mới với diện tích chỉ vài sào. Sau hơn 15 năm, gia đình anh đã phát triển diện tích lên hơn 1,5 ha. Là một cán bộ khuyến nông của xã, anh cũng đã xây dựng nhiều mô hình để phát triển giống chè mới tại địa phương. Hiện tại, toàn xã Lộc Tân đã phát triển được hơn 80 ha chè ôlong và yếu tố chính để phát triển vùng chè này chính là sự “liên kết” giữa những người nông dân. Anh Sơn cho biết: “Cái khó của người dân trong việc canh tác chè chính là khâu tiêu thụ sản phẩm. Nếu một hộ trồng với diện tích quá ít thì rất khó bán cho các nhà máy. Do đó, muốn cùng nhau phát triển thì các hộ dân trong vùng phải liên kết lại với nhau để cùng chăm sóc, cùng thu hái và cùng tiêu thụ sản phẩm. Mơ ước của những người nông dân trồng chè chúng tôi là có thể thành lập hiệp hội hoặc hợp tác xã để đảm bảo sự phát triển bền vững của cây chè”. Xã Lộc Tân là một trong những vùng chè trọng điểm của huyện Bảo Lâm và cũng là nơi đóng chân của nhiều nông trường, nhà máy chế biến chè. Do đó, ngoài việc thu hái sản phẩm cho chính gia đình mình thì nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cũng tìm được việc làm ổn định. Nông trường chè Tâm Châu tại xã Lộc Tân là một trong những đơn vị tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào DTTS tại chỗ. Theo ông Võ Quang Vị - Phó giám đốc Công ty TNHH Trà và Cà phê Tâm Châu: Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, Công ty còn rất chú trọng đến việc giải quyết việc làm cho bà con. Với 2 nông trường trồng hơn 200 ha các giống chè ôlong, Công ty đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động; trong đó, có khoảng 300 lao động là người DTTS. Ka Kim (thôn 3, xã Lộc Tân) ngoài việc chăm sóc 4 sào chè của gia đình, chị còn làm công nhân cho Nông trường chè Tâm Châu với thu nhập ổn định hơn 2 triệu đồng/tháng. Chị cho biết: “Trước đây, thu nhập chính chỉ dựa vào mảnh vườn quanh nhà, cuộc sống có nhiều khó khăn. Từ khi làm công nhân cho nông trường, tôi có tích lũy, tự mua được xe máy và có tiền phụ bố mẹ nữa”. Sự liên kết giữa nông dân với nhau và sự liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm đã trở thành động lực để cây chè vươn lên trên mảnh đất B’Lao. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy sự liên kết này chưa mang tính “bền vững”. Theo anh Nguyễn Trường Thi (xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc) và nhiều nông dân khác: Thiệt thòi của người trồng chè là bị phụ thuộc vào các nhà máy chế biến. Trồng chè với diện tích càng nhỏ lẻ thì càng bị phụ thuộc nhiều hơn, vì họ muốn bán được chè búp tươi thì phải nhờ vào người khác để bán “ké”. Trước đây, có những nông dân trồng chè nhỏ lẻ đã liên kết lại để tiêu thụ chè búp thuận lợi. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, sự liên kết này không thể duy trì được. Vì thế, mấy năm gần đây, không ít nông dân trồng chè nhỏ lẻ đã nhổ bỏ dần cây chè chất lượng cao (các giống chè Đài Loan)! Nông dân cùng liên kết trên đồng chè cũng chưa đủ, mà đã đến lúc rất cần đến sự liên kết của các nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Có được sự liên kết chặt chẽ đó, là điều kiện tất yếu để giúp nông dân phát triển cây chè một cách bền vững.
HỮU SANG