Liên kết xây dựng thương hiệu chung trong các làng nghề: Càng chậm, càng thiệt

Hải Phòng có những làng nghề truyền thống lâu đời, duy trì và phát triển mạnh trong thời điểm hiện tại như làng nghề đúc đồng Phương Mỹ (Mỹ Đồng, Thuỷ Nguyên), làng nghề mây tre đan thủ công mỹ nghệ Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), làng nghề đồ gỗ Kha Lâm (Kiến An)…

Vẫn đèn nhà ai…nhà nấy rạng

Hải Phòng có những làng nghề truyền thống lâu đời, duy trì và phát triển mạnh trong thời điểm hiện tại như làng nghề đúc đồng Phương Mỹ (Mỹ Đồng, Thuỷ Nguyên), làng nghề mây tre đan thủ công mỹ nghệ Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), làng nghề đồ gỗ Kha Lâm (Kiến An)…Các làng nghề này đều có lịch sử hơn 100 năm, là nơi tụ hội của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, có sản phẩm xuất khẩu tại một số nước trên thế giới. Trong đó, làng nghề đúc Phương Mỹ hiện có 51 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả, sản phẩm đúc đồng nổi tiếng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, đến nay, các làng nghề này đều chưa xây dựng quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nổi tiếng của mình. Việc liên kết để cùng phổ biến kinh nghiệm, tay nghề, chia sẻ bí quyết cũng như đáp ứng những đơn hàng lớn giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng chưa được quan tâm.

Liên kết xây dựng thương hiệu chung trong các làng nghề: Càng chậm, càng thiệt ảnh 1

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất ở làng nghề đúc Mỹ Đồng (Thủy Nguyên) không đủ kinh phí chuyển về nơi sản xuất tập trung.

Giám đốc Công ty tư nhân Thành Phương ở làng nghề Phương Mỹ cho biết: “Do chưa có thương hiệu nên việc quảng bá và ký hợp đồng sản xuất sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có những khó khăn nhất định. Không ít doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn cũng phải từ chối hợp đồng sản xuất lớn vì không đủ khả năng hoàn thành. Nếu có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong làng nghề thì sẽ không có việc đáng tiếc như vậy xảy ra”. Cũng vì giữa các doanh nghiệp chưa có sự liên kết trong xây dựng thương hiệu, sản xuất nên mặc dù đã quy hoạch xây dựng cụm làng nghề với diện tích 5,3 ha, đầy đủ cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, cấp, thoát nước, hệ thống xử lý môi trường, Nhà nước đầu tư 60% kinh phí, doanh nghiệp đầu tư 40% nhưng mới chỉ có gần 50% số doanh nghiệp trong làng nghề chuyển ra khu vực cụm làng nghề đã quy hoạch. Những doanh nghiệp còn lại vẫn xây dựng xưởng sản xuất xen lẫn trong khu dân cư vì không đủ kinh phí chuyển xưởng sang khu vực mới. Nếu như có sự hỗ trợ, cùng liên kết giữa các doanh nghiệp, việc này chắc đã hoàn tất nhanh chóng.…

Ông Bùi Hữu Nga, chủ nhiệm HTX mây tre đan Xuân La (Thanh Sơn, Kiến Thụy) cũng cho biết, trong năm 2007, HTX dự định triển khai sản xuất mặt hàng mới là đan giỏ hoa, túi xách từ nguyên liệu mới là thân cây bèo tây. Mặt hàng mỹ nghệ mới này đang được thị trường nhiều nước trên thế giới ưa chuộng; mặt khác, nguyên liệu sản xuất hiện có rất nhiều trên địa bàn huyện. Sản phẩm của HTX làm ra sẽ được một doanh nghiệp ở Hải Dương thu mua xuất khẩu. Tuy nhiên, khi bàn đến việc hợp tác với nhau để sản xuất thì lại vướng. Nhiều hộ vẫn thích sản xuất nhỏ lẻ, làm sản phẩm truyền thống vào thời điểm nông nhàn. Vì không có sự liên kết, đồng lòng nhất trí nên không thể có diện tích lớn để xây dựng kho chứa nguyên liệu, nhà xưởng để máy sấy, khu sản xuất sản phẩm. Ông Nga tiếc nuối: “Giá như các hộ sản xuất trong làng quyết tâm cùng liên kết triển khai dự án mới thì chắc nghề mây tre đan ở Xuân La đã có thu nhập khá”.

Làng cau Cao Nhân (Thuỷ Nguyên) vài năm gần đây luôn trong tình trạng tiêu thụ sản phẩm bấp bênh. Khi thì ồ ạt bán được, lúc lại tồn kho sản phẩm cau khô tới hơn 1000 tấn. Theo Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự phát triển tự phát của các hộ gia đình. Nhiều người trước đây làm công cho các lò sấy, khi có đủ vốn, thấy làm ăn được cũng mở lò sấy riêng. Mạnh ai nấy làm. Cả xã có 100 hộ sản xuất kinh doanh thì có tới 40 hộ làm theo kiểu phong trào », không có bài bản gì. Thậm chí một số doanh nghiệp lớn tại làng nghề như Công ty TNHH Thành An, Phong Thị cũng chưa biết liên kết với nhau, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng các hợp đồng miệng, theo đường tiểu ngạch. Từ thực tế này, nhiều người đặt nhận định: “Giá như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Cao Nhân biết liên kết lại, hỗ trợ nhau về công nghệ, vốn, thị trường, xây dựng thương hiệu chung “cau Cao Nhân” thì họ có thể độc quyền xuất khẩu sản phẩm đặc trưng này, lại có thể bảo vệ nhau, không bị thương lái Trung Quốc ép giá, trả hàng phi lý như hiện nay…  

Vì một thương hiệu chung

Năm 2004, thương hiệu “gốm sứ Bát Tràng” chính thức được công bố và quảng bá trên thị trường quốc tế. Cùng với việc ra mắt thương hiệu, Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Bát Tràng cũng được thành lập. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những xưởng sản xuất ở làng gốm Bát Tràng cùng nhau liên kết sản xuất, cùng xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Các doanh nghiệp ở Bát Tràng thường tổ chức 5-7 nhà liên kết lại để phổ biến kinh nghiệm, phổ biến tay nghề, chia sẻ bí quyết cũng như đáp ứng những đơn hàng lớn. Nhờ vậy, các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ Bát Tràng không còn rơi vào tình trạng phải từ chối những đơn hàng lớn vì không thể đáp ứng số lượng sản phẩm. Việc doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng liên kết để ra mắt thương hiệu chung, giúp họ rút ngắn hơn con đường quảng bá sản phẩm ra thị trường thế giới. Để bảo đảm uy tín cho thương hiệu Bát Tràng, các doanh nghiệp thành lập hội đồng thẩm định với sự tham gia của các nhà khoa học tự nhiên và xã hội, bảo đảm chất lượng và tính thẩm mỹ của những sản phẩm mang thương hiệu Bát Tràng…

Bài học thành công cuả làng nghề Bát Tràng càng khẳng định sự cần thiết  xây dựng thương hiệu, liên kết trong sản xuất sản phẩm tại các làng nghề truyền thống để bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề trong hội nhập kinh tế. Thực tế ở  Hải Phòng càng cho thấy sự cần thiết phải liên kết, để sản phẩm làng nghề bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng, mang những nét đặc trưng, có nhãn mác và được pháp luật bảo vệ. Để làm được điều đó, thiết nghĩ, các hộ sản xuất, xưởng sản xuất tư nhân trong các làng nghề của Hải Phòng cần được tạo điều kiện để thành lập HTX hoặc doanh nghiệp, cùng liên kết xúc tiến xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; đổi mới công nghệ kết hợp với kỹ thuật sản xuất truyền thống nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm như cách làm của làng gốm Bát Tràng./.

Hoàng Yên

 

 

 

Đọc thêm