Liên minh Châu Âu từ bỏ kế hoạch cấm sợi carbon trong ô tô

(PLVN) - Sợi carbon – vật liệu nhẹ hơn nhôm và cứng hơn thép – vừa thoát khỏi nguy cơ bị Liên minh Châu Âu (EU) liệt vào danh sách cấm sử dụng trong ngành ô tô.
Liên minh Châu Âu từ bỏ kế hoạch cấm sợi carbon trong ô tô (Ảnh: Carscoops)

Theo Carscoops, sau nhiều tháng gây tranh cãi và lo ngại trong ngành công nghiệp ô tô, Nghị viện Châu Âu đã chính thức xác nhận sẽ loại bỏ sợi carbon khỏi danh sách các vật liệu nguy hại trong bản dự thảo sửa đổi Chỉ thị về Xe cơ giới hết hạn sử dụng (End of Life Vehicles - ELV). Điều này đồng nghĩa với việc các mẫu xe sử dụng sợi carbon vẫn có thể được bán tại thị trường Châu Âu sau năm 2029.

Thông tin được Motor1 Italia dẫn lời một đại diện Nghị viện EU cho biết: “Sợi carbon sẽ được gỡ khỏi danh sách các vật liệu gây hại. Các xe bán tại Châu Âu sẽ tiếp tục được phép sử dụng vật liệu này sau năm 2029.”

Trong bản dự thảo trước đó, lần đầu tiên trong lịch sử, sợi carbon bị EU xếp vào nhóm vật liệu gây hại, tương tự như chì, thủy ngân, cadimi và crôm hóa trị sáu – những chất đã bị hạn chế từ lâu trong các sản phẩm tiêu dùng. Lý do mà EU đưa ra là khi sợi carbon bị loại bỏ, các sợi siêu nhỏ có thể phát tán vào không khí, gây nguy cơ chập mạch trong máy móc, và nghiêm trọng hơn là gây đau đớn nếu tiếp xúc với da hoặc niêm mạc của con người.

Tuy nhiên, so với những vật liệu nguy hại truyền thống, sợi carbon có vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành công nghiệp hiện đại. Nó được sử dụng rộng rãi trong hàng không vũ trụ, tua-bin gió, ô tô và cả mô tô phân khối lớn, nhờ đặc tính siêu nhẹ, siêu bền và hiệu suất cao. Dù chi phí sản xuất cao, nhưng trong nhiều trường hợp, lợi ích vượt trội của sợi carbon khiến nó trở thành vật liệu không thể thay thế, đặc biệt trong bối cảnh các hãng xe đang đua nhau tối ưu hóa trọng lượng để tăng hiệu suất và giảm tiêu thụ năng lượng.

Theo ước tính từ công ty nghiên cứu thị trường Roots Analysis (Mỹ), thị trường sợi carbon toàn cầu đạt giá trị 5,48 tỷ USD trong năm 2024 và được dự báo tăng trưởng trung bình 11% mỗi năm, đạt 17,08 tỷ USD vào năm 2035. Trong đó, lĩnh vực ô tô hiện đang chiếm khoảng 10–20% tổng ứng dụng, con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh khi xu hướng xe điện (EV) tiếp tục lên ngôi.

Do phải mang theo bộ pin lớn, xe điện thường nặng hơn xe động cơ đốt trong truyền thống, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận hành và tầm hoạt động. Với các hãng xe cao cấp, những yếu tố này mang tính sống còn – và sợi carbon được xem là giải pháp hoàn hảo, bất chấp giá thành đắt đỏ.

Nếu lệnh cấm được thông qua, các tập đoàn Nhật Bản như Toray Industries, Teijin và Mitsubishi Chemical – những ông lớn nắm 54% thị phần sợi carbon toàn cầu – sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Đặc biệt với Toray, ngành ô tô là mảng lớn thứ ba của họ, trong đó 50% doanh thu đến từ thị trường Châu Âu. Một lệnh cấm sẽ là cú sốc lớn cho toàn bộ hệ sinh thái sản xuất của họ.

Không chỉ riêng xe điện, các dòng xe thể thao sử dụng động cơ đốt trong hoặc hybrid cũng đang dựa vào sợi carbon để giảm trọng lượng và tăng hiệu suất. Đơn cử như hãng McLaren của Anh, vốn chế tạo toàn bộ khung gầm xe bằng sợi carbon cho các dòng siêu xe của mình.

Đọc thêm