Chị Nguyễn Kim Hoàng Ngân, chủ cửa hàng giày thể thao SportC ở TP HCM mới chia sẻ câu chuyện gặp lừa đảo ở shop mình. Tháng trước, nhân viên shop của chị Ngân nhận được một đơn hàng trị giá 5 triệu đồng, yêu cầu giao hàng đến một địa điểm trên địa bàn thành phố.
Sau khi nhận hàng, người mua có báo món hàng bị sai kích thước nên có nhờ bạn mình đến trả lại. Đến khi người bạn đem món hàng đến nơi và... đòi tiền mua hàng thì nhân viên shop mới phát hiện ra người bạn đó thực ra là người giao nhận theo dịch vụ (shipper). Shipper này hoàn toàn không biết đây là món hàng đổi mà tưởng là đem đến giao hàng thu tiền, trong khi đó, ở phía khách hàng, shipper đã phải xuất tiền ra ứng trước theo giá trị món hàng.
Khi quay lại địa chỉ khách đặt hàng thì không thấy khách đâu, hoá ra đó là một nhà dân khác, khách vờ như nhà mình để lừa đảo shipper, lợi dụng hình thức “nhận trả trước”, nghĩa là shipper đi giao hàng và ứng trước giùm chủ món hàng rồi lấy lại của người mua.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ nhà hàng Gánh Hàng Rong cũng chia sẻ trường hợp shipper lừa đảo như sau: một khách hàng đặt mua sản phẩm ở cửa hàng chị. Khách hàng tự đặt dịch vụ shipper đến lấy hàng và đã gửi tiền cho shipper thanh toán. Tuy nhiên, đến khi khách nhận được sản phẩm lại bị shipper đòi tiền một lần nữa.
Lý do là shipper đầu tiên đem sản phẩm giao cho một shipper khác, yêu cầu shipper nọ ứng tiền cho mình rồi đi giao hàng cho khách lấy lại tiền. Cuối cùng, người thiệt hại và mất tiền lại là shipper bị “giao việc lại” kia.
Trước tình hình nhiều người giao hàng đem hàng đi giao cho khách rồi “ỉm” luôn vì không có gì ràng buộc, nhiều người bán đã đặt ra luật bắt các shipper phải ứng tiền trước, như một hình thức thu hộ. Điều này sẽ giảm tình trạng shipper làm liều lấy luôn những món hàng giá trị của khách rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, lại có không ít kẻ lợi dụng kẽ hở của hình thức thu hộ trên để lừa đảo những người làm nghề giao hàng.
Đã có không ít trường hợp dùng địa chỉ giả đặt shipper đến giao hàng và thu hộ, hàng vẫn đến tay nhưng khách không nhận, vì là hàng giả, shipper quay lại thì người đặt giao đã biến mất. Có shipper sau khi ứng tiền, đến địa chỉ giao hàng không gặp ai, gọi không được, gọi chủ món hàng cũng khoá máy, thế là đem món “hàng hiệu” (mà thực chất là hàng rởm) về nhà, ngậm ngùi mất vài triệu tiền ứng. Có những đơn hàng shipper bị lừa lên đến hàng chục triệu đồng.
Một website dành cho cộng đồng shipper cũng đã đưa ra cảnh báo dành cho những người làm nghề để tránh bị lừa đảo thu hộ. Theo đó, người giao hàng nên chọn khách có nhà riêng, có thể xác thực đó là nhà khách, hạn chế giao dịch tại những địa điểm như quán cafe, toà nhà văn phòng, đồng thời nên đề nghị chụp hình chứng minh nhân dân khách “làm tin”. Cạnh đó, nên kiểm tra kĩ món hàng trước khi giao hàng, trường hợp món hàng đã bị gói quá kĩ không thể tháo gỡ thì nên từ chối để tránh “tiền mất, tật mang”.