"Liệt sĩ về làng"

Những ngày ông Đỗ Đình Goòng  ở tù, cũng là lúc gia đình và các đồng đội trong đơn vị tưởng ông đã hy sinh trong trận chiến ác liệt năm 1967, nên đến năm 1972, gia đình ông nhận được giấy báo tử và bằng “Tổ quốc ghi công”. Không bút nào tả hết niềm vui ngày ông về đoàn tụ với gia đình.

Một ngày nắng như rót lửa, tôi đến nhà “liệt sĩ” Đỗ Đình Goòng ở xã Vũ Quý (huyện Kiến Xương - Thái Bình). Câu chuyện về thời chiến ông kể cho tôi khi vui, khi buồn, có cả cái chất mộc mạc của một người quê lúa. Vui là vì ông có một kỷ niệm đặc biệt, vì từ chiến trường trở về, ông mới biết mình đã là liệt sĩ đến 4 năm trời. Còn buồn là vì xã hội vẫn tồn tại nhiều bất công quá, nhiều người có công, là thương binh mà không được hưởng chế độ.
"Liệt sỹ" Đỗ Đình Gòong
"Liệt sỹ" Đỗ Đình Gòong


Trong khi có những người chẳng tham gia chiến đấu ngày nào, nhờ vào sự chạy chọt đã nghiễm nhiên trở thành... thương binh, hoặc có chất độc da cam trong người, để hưởng chế độ. Bản thân ông Goòng cũng bị nhiễm thứ chất độc màu da cam nguy hiểm, nhưng ông không muốn đi khám lại, vì ngại nhiêu khê trong việc xin xác nhận.

Về chuyện là “liệt sĩ”, ông Goòng kể rất chi tiết. Là một công nhân cơ khí, năm 1964 ông gia nhập quân đội ở Sư đoàn 312 Thái Nguyên. Đến năm 1966, Sư đoàn nhận được lệnh vào Nam chiến đấu, hoạt động ở miền Đông Nam Bộ. Năm 1967, trong một trận quyết chiến với địch ở Bình Long (Bình Phước), ông bị thương nặng ngất đi, tỉnh lại liền bị địch bắt làm tù binh tại trại giam Biên Hòa, rồi sau đó được chuyển ra nhà tù Côn Đảo.

Tại nhà tù, ông và các chiến sỹ khác bị tra tấn hết sức dã man nhưng chúng vẫn không khuất phục được tinh thần của những người lính cộng sản. Người cựu chiến binh nhớ lại những ngày ông và các chiến sỹ bị tra tấn trong tù: “Chúng có những hình thức tra tấn khủng khiếp như bắt chui qua dây thép gai, dùng kìm bẻ răng…

Nhưng ở trong tù anh em vẫn tổ chức sinh hoạt văn hóa, đào hầm, dạy võ cướp súng để vượt ngục...”. Năm 1973, khi Hiệp định Pari được ký kết, ông Goòng được trao trả tù binh theo hiệp định giữa hai bên. Sau đó, ông được chuyển về Tiểu đoàn 8 Thanh Hóa làm công tác cao xạ rồi về lại Nhà máy cơ khí Thái Bình.

Nhưng trong những ngày ông ở tù, cũng là lúc gia đình và các đồng đội trong đơn vị tưởng ông đã hy sinh trong trận chiến ác liệt năm 1967, nên đến năm 1972, gia đình ông nhận được giấy báo tử và bằng “Tổ quốc ghi công”. Không bút nào tả hết niềm vui ngày ông về đoàn tụ với gia đình. Giờ một số giấy tờ như Giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công... ông vẫn giữ làm kể niệm để nhớ về một thời mình đã từng... hy sinh!

Văn Học

Đọc thêm