Liều chết để được... li dị

Nhiều phụ nữ Pakistan đang từng bước một lựa chọn ly dị như phương thức duy nhất để trốn thoát cuộc hôn nhân không tình yêu và luôn chìm trong cảnh bạo hành, dù rằng đây là lựa chọn mang tính "cấm kỵ" trong xã hội nước này và có thể khiến người phụ nữ phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

Nhiều phụ nữ Pakistan đang từng bước một lựa chọn ly dị như phương thức duy nhất để trốn thoát cuộc hôn nhân không tình yêu và luôn chìm trong cảnh bạo hành, dù rằng đây là lựa chọn mang tính "cấm kỵ" trong xã hội nước này và có thể khiến người phụ nữ phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

vv
Nữ luật sư Aliya Malik tư vấn cho một người vợ Pakistan muốn ly hôn

Không dễ để được giải thoát

Tại thủ đô Islamabad của Pakistan, nơi có 1,7 triệu người sinh sống, trong năm 2012 đã có 557 cặp vợ chồng ly dị. Theo thông tin do Hội đồng Tòa án Islamabad, con số này đã tăng lên so với mức 208 vụ ở năm 2002. Sau 10 năm, số vụ ly hôn tăng lên gấp đôi không phải là nhiều. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy đã có một sự thay đổi lớn về tư tưởng đang diễn ra trong xã hội Pakistan.

"Nếu bạn là người kiếm tiền, điều duy nhất bạn cần từ một anh chàng sẽ chỉ là tình yêu và sự đồng cảm. Nếu anh chàng đó không thể mang tới những điều này, bạn phải ly hôn thôi" - Rabia tuyên bố. Nữ phóng viên mới 26 tuổi này đã rời bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu và một anh chồng có tính lăng nhăng hồi năm ngoái.

Rabia và những người mang tư tưởng tự do như cô vẫn chiếm thiểu số trong xã hội Pakistan. Nhưng họ đã bị các lực lượng bảo thủ ở quốc gia này xem là mối đe dọa. "Những người phụ nữ đó đã được trao cho sự tự do và kết quả là họ đang khiến mình bị nguy hiểm" - phát ngôn viên Ihsanullah Ihsan của lực lượng Taliban nổi tiếng cứng rắn cho Reuters biết.

Ở Pakistan, phụ nữ có thể bị giết khi cố tìm cách ly hôn. Một số người đã bị bắn chết khi đang trên đường từ tòa án về nhà. Số khác bị hạ sát ngay trước mặt luật sư. Vụ ca sĩ người Pashtun Ghazala Javed bị bắn chết trong tháng 5 năm ngoái là một bằng chứng cụ thể. Nổi tiếng xinh đẹp, cô kết hôn với một anh chồng trông có vẻ đẹp trai tử tế. Thế rồi cô phát hiện chồng mình đã có vợ từ trước. Khi cô yêu cầu anh chồng này phải ly hôn vì không thể chấp nhận cảnh sống chung, cả cô và cha đẻ đã bị giết.

Ngoài ra đã có 1.630 vụ "giết người danh dự" diễn ra hồi năm ngoái. Quan điểm cho rằng cô gái đã có cách hành xử gây mất danh dự của gia đình - trong trường hợp này là ý định ly hôn - sẽ dễ dàng khiến cô gái bị trừng phạt bằng cách tước đi mạng sống.

Một xu hướng mới

Trong khi phụ nữ ly hôn là điều bình thường ở phương Tây, thì đây lại là hiện tượng khá mới ở Pakistan. Tại cổng thương mại Karachi của Pakistan, luật sư Zeeshan Sharif nói rằng hiện ông đang nhận được vài đơn xin ly hôn mỗi tuần. Nhưng cách nay một thập kỷ, con số này là bằng không.

Phụ nữ muốn ly hôn chủ yếu tới từ các tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội. Phí thuê luật sư ở Pakistan có thể lên tới 300 USD, bằng cả mức thu nhập một năm với nhiều người dân Pakistan. Với các bà nội trợ nghèo khó, thuê luật sư là chuyện không tưởng.

vv
Các cuốn sách kêu gọi phụ nữ Pakistan tự giải phóng cho bản thân

Phần lớn người Pakistan nghĩ rằng tỉ lệ ly hôn đang tăng dần ở đây có liên quan tới việc phụ nữ đã trở nên độc lập hơn về mặt tài chính. Con số phụ nữ có việc làm ở Pakistan đã tăng từ 5,69 triệu người lên 12,11 triệu người trong vòng một thập kỷ qua. "Phụ nữ đang kiếm tiền và giờ họ nghĩ rằng nếu mình có quyền, họ không cần phải hy sinh quá nhiều nữa" - Musfira Jamal, một thành viên cao cấp của đảng tôn giáo Jamaat-e-Islami nói - "Thượng đế không thích ly hôn... Nhưng Thượng đế cũng không ban cho những người đàn ông quyền đánh vợ hoặc tra tấn gia đình anh ta."

Năm 2012, các giáo sĩ ở Pakistan đã yêu cầu việc xem xét lại một đạo luật muốn đưa ra ngoài vòng pháp luật bạo lực gia đình. Họ nói rằng luật làm "giảm các giá trị gia đình". Với những tổ chức như Taliban, văn phóa Tây phương, chứ không phải tình trạng đánh đập bạo hành trong gia đình, mới là nguyên nhân khiến phụ nữ muốn ly hôn.

Thực tế thì theo luật sư Aliya Malik, bạo lực gia đình mới là một trong những nguyên nhân chủ đạo để phụ nữ muốn ly hôn. Cuộc thăm dò của Reuters hồi năm 2011 cho thấy khoảng 90% phụ nữ Pakistan đã bị chồng đánh ít nhất một lần.

Không dễ tự giải thoát

Tuy nhiên tiến trình tự giải thoát của phụ nữ nơi đây không hề dễ dàng. Phụ nữ Hồi giáo tại Pakistan không có quyền đâm đơn ly hôn cho tới giữa những năm 1930. Ngay cả khi luật đã thông qua, họ cũng phải trả hối lộ để người ta xem xét lại tình trạng hôn nhân.

Một đạo luật thông qua hồi năm 1961 cuối cùng đã cho phép phụ nữ được ly hôn qua tòa án dân sự, nếu họ có thể chứng minh việc chồng mình tồi tệ ra sao. Nhưng tiến trình xét xử có thể kéo dài tới hàng năm trời.

Luật sư Hina Jilani nói rằng nỗi sợ là rào cản lớn nhất khiến phụ nữ không dám ly hôn. Một trong những thân chủ của Jilani đang tìm cách ly hôn đã bị mẹ đẻ mình bắn chết .

Sự kỳ thị của công chúng, nguy cơ hứng chịu các đòn roi trả thù và nỗi ám ảnh về một phiên tòa kéo dài là các lý do khác khiến phụ nữ không bao giờ dám thử ly hôn.

Sadia Jabbar là một ví dụ. Người phụ nữ 29 tuổi này đã dằn vặt rất lâu với cảm giác tội lỗi và thất bại sau khi ly hôn thành công. "Cảm giác ban đầu rất tệ, giống như tôi đã sai trong lựa chọn lớn nhất đời mình" - cô nói.

Việc bị kỳ thị cũng có nghĩa phụ nữ sẽ khó kết hôn và nhiều người đã chọn việc thà ở lại trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc còn hơn là sống một mình. Khó khăn càng nhân lên khi người phụ nữ sinh con.

Tòa Pakistan ít khi yêu cầu ông bố phải trả tiền nuôi con cho các bà mẹ và nếu có thì cũng chẳng có ai ép buộc ông bố phải thực hiện nghĩa vụ.

Fatima, một bà mẹ 31 tuổi 2 con sống ở Lahore đã có 7 năm bị chồng đánh đập tàn bạo trước khi ly hôn thành công. "Anh ta thường tát, đẩy và giật tóc tôi. Tôi từng bị thương nặng ở vùng xương sống. Anh ta còn đánh tôi lúc tôi mang bầu" - cô nói.

Cô đã được ly hôn, nhưng chồng cũ từ chối trả tiền nuôi con. Không thể kiếm được việc làm tử tế, cô lại phải kết hôn với anh chồng cũ, để có tiền đóng học phí cho con. Giờ cuộc đời cô khép kín sau một cánh cửa khóa trái.

"Anh ta sẽ không cấp tiền nếu tôi không sống trong ngôi nhà này. Tôi không muốn để con tôi sống một mình. Chúng còn bé quá. Nếu tôi có thể nuôi con, tôi đã bỏ đi từ lâu rồi" - cô buồn bã thổ lộ.

Tường Linh

Đọc thêm