Liệu có tiêu biểu?

So với 31 lần trước, cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu 2009 đã có những thay đổi đáng kể, dẫu rằng chưa hẳn tất cả đều là một chuyển động tích cực.

So với 31 lần trước, cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu 2009 đã có những thay đổi đáng kể, dẫu rằng chưa hẳn tất cả đều là một chuyển động tích cực.

Cho dù có đến 3 chức vô địch thế giới, châu Á và Đông Nam Á nhưng lực sĩ Phạm Văn Mách (trái) vẫn không có tên trong 15 VĐV tiêu biểu Việt Nam 2009!

Cho dù có đến 3 chức vô địch thế giới, châu Á và Đông Nam Á nhưng lực sĩ Phạm Văn Mách (trái) vẫn không có tên trong 15 VĐV tiêu biểu Việt Nam 2009!

Trước tiên, đó là số lượng bầu chọn được nâng lên 15 VĐV và 7 HLV với lời giải thích từ đại diện đơn vị tổ chức rằng, do năm 2009 có 2 đại hội thể thao châu lục và khu vực diễn ra, nên việc nâng số lượng là tất yếu. Đồng thời, VĐV của các môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic đã được lưu tâm nhiều hơn so với những lần bầu chọn trước.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là tất cả dễ dàng được sự chấp nhận từ công luận. Bởi quan điểm của nhà tổ chức và những người tham gia bầu chọn không hẳn lúc nào cũng đồng nhất. Đã có rất nhiều ý kiến mong muốn số lượng VĐV, HLV tiêu biểu được bầu chọn phải bảo đảm sự nhất quán, thay vì nâng số lượng bầu chọn tương ứng với số lượng giải đấu trong năm.

Bên cạnh đó, danh sách đề cử HLV tiêu biểu cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi cho đa số các phóng viên thể thao khi hầu như những chuyên gia, HLV nước ngoài đều không có tên trong danh sách được bầu chọn. Mặc dù rất nhiều tuyển thủ quốc gia được đề cử vào danh sách bầu chọn lại được trực tiếp dẫn dắt bởi những ông thầy ngoại, như trường hợp lực sĩ Hoàng Anh Tuấn vào năm 2008! Chưa kể việc đề cử HLV vẫn còn nhiều bất cập.

Ở môn bóng bàn, thay vì người trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo đội tuyển bóng bàn nam là HLV Lê Xuân Phong thì trưởng bộ môn bóng bàn Nguyễn Đức Long lại được đề cử. Trong khi đó, ở đội tuyển karatedo, HLV được đưa vào danh sách đề cử lại là Phạm Quốc Trọng với thành tích “trực tiếp chỉ đạo võ sĩ Nguyễn Hoàng Ngân giành 2 HCV SEA Games” nhưng thực tế, tại SEA Games 25, ông Phạm Quốc Trọng là trọng tài chứ không hề chỉ đạo “Nữ hoàng Kata Đông Nam Á”.

Rất đáng nói là việc không ít môn thể thao không, hoặc rất ít được thể thao thế giới công nhận - như Sports Aerobic, Dance Sport... hay những môn được chúng ta “đi tắt, đón đầu” cho mục tiêu huy chương như Đá cầu, Wushu, Cầu mây, Pencak Silat, Muay, Bi sắt… cũng được đưa vào khiến danh sách đề cử VĐV đạt mức kỷ lục với 75 người! Ngay cả những người tham gia bầu chọn cũng không hẳn am tường, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bầu chọn.

Vì thế, với không ít nguyên nhân khách quan nói trên, việc những người tham gia bầu chọn đã rất khó để có thể tập trung lựa chọn ra những người thực sự tiêu biểu. Chẳng hạn, cùng với VĐV điền kinh Nguyễn Đình Cương, xạ thủ Ngô Hữu Vượng có tên trong danh sách 8 VĐV nam xuất sắc nhất SEA Games 25 nhưng vẫn phải xếp hạng 12 trong cuộc bầu chọn. Hay như lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách có cả 3 ngôi vô địch thế giới, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á hạng cân 56kg nam, nhưng vẫn bị lọt ra khỏi danh sách VĐV tiêu biểu 2009. Rồi chiếc HCV bóng đá nữ tại SEA Games 25 có công sức rất lớn của thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh nhưng cô gái này vẫn không thể góp mặt trong “đội hình tiêu biểu của Thể thao Việt Nam 2009”.

Dĩ nhiên, khó có thể đòi hỏi một sự chính xác tuyệt đối để chọn ra những người tiêu biểu; thế nhưng, những tác động khách quan lẫn định hướng của nhà tổ chức khiến cuộc bầu chọn lần thứ 32 này vẫn chưa thể như mong muốn. Vì thế, nếu có một sự điều chỉnh hợp lý hơn của nhà tổ chức, hẳn những người được chọn và không được chọn vẫn có thể vui vẻ với kết quả thay vì những vướng mắc của công luận từ cuộc bầu chọn lần này...

BẢO AN

Đọc thêm