Nhằm cải thiện môi trường Hà Nội, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cho Việt Nam vay vốn để cải tạo hệ thống thoát nước Thủ đô Hà Nội, trong đó có việc cải tạo các hồ. Tuy nhiên việc Sở Xây Dựng phê duyệt đơn vị trúng thầu có giá bỏ thầu cao hơn gần 10 tỷ đồng so với đơn vị có giá bỏ thầu thấp nhất tại dự án cải tạo hồ Hạ Đình và hồ Đầm Chuối (quận Hai Bà Trưng) khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi!
Dự án cải tạo hồ Hạ Đình và hồ Đầm Chuối (dự án cải tạo hồ 4) nằm trong tự án tổng thể về cải thiện môi trường Hà Nội II. Ngày 8.10.2012, Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội đã mở gói thầu số 6.3 và có 6 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu bao gồm các nhà thầu: TCty đầu tư nước và môi trường VN (VIWASEEN); Cty CP đầu tư và xây lắp số 5; TCty đầu tư phát triển hạ tầng (UDIC); Liên danh VINACONEX –VINAWACO; TCty XD Bạch Đằng; TCTy XD công trình giao thông 1 (CIENCO1).
Giá dự thầu của các nhà thầu lần lượt như sau: Cty CP đầu tư và xây lắp số 5 dự thầu giá 89,8 tỷ đồng; CIENCO1 dự thầu giá 85,1 tỷ đồng; Liên danh VINACONEX –VINAWACO dự thầu giá 84,4 tỷ đồng; TCty XD Bạch Đằng dự thầu giá 84 tỷ đồng; UDIC dự thầu giá 83,9 tỷ đồng; VIWASEEN dự thầu 77,3 tỷ đồng.
Ngày 1-4-2013, Phó giám đốc Sở xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục ký quyết định số 1917 phê duyệt điều chỉnh kết quả đấu thầu gói thầu 6.3. Theo đó nhà thầu trúng thầu là Cienco1 với (chép nguyên văn) “giá trúng thầu (không bao gồm dự phòng phí, thuế VAT và các loại thuế khác)” là 76.011.012.737 đồng.
Quyết định này đã khiến các nhà thầu khác bất ngờ bởi mức giá phê duyệt trúng thầu này có dấu hiệu mập mờ.
Giám đốc một doanh nghiệp phân tích “quyết định của Sở Xây dựng đã cố tình chơi chữ, bởi nếu mới nhìn vào con số 76,01 tỷ đồng này thì tưởng việc trúng thầu của Cienco1 là đương nhiên vì đây là giá thấp nhất. Tuy nhiên, cái phần mở ngoặc “không bao gồm dự phòng phí, thuế VAT và các loại thuế khác” mới là điều đáng nói. Bởi ngoài 10% VAT (tương đương 7,6 tỷ đồng) thì cái phần mập mờ “phí dự phòng và các loại thuế khác” là bao nhiêu thì không ghi rõ.
Vì thế quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội khiến các nhà thầu bất bình và cho rằng việc phê duyệt kết quả trúng thầu của sở Xây Dựng có vấn đề.
|
Hồ Hạ Đình- ảnh PV |
Ông Lê Khả Mạnh, TGĐ VIWASEEN cho rằng: “ Giá bỏ thầu của VIWASEEN chỉ có 77,3 tỷ đồng, thấp hơn giá của CIENCO1 là 8 tỷ đồng, VIWASEEN lại là đơn vị chuyên ngành của Bộ Xây dựng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cấp thoát nước đã có 38 năm kinh nghiệm thi công rất nhiều công trình có quy mô lớn bằng nguồn vốn của WB, ODA, JICA... trên khắp 64 tỉnh thành. Tại Hà Nội VIWASEEN đã thi công nhiều dự án cấp nước như: Nhà máy nước Pháp Vân, Lương Yên, Cáo Đỉnh, Nam Dư, Hạ Đình... các công trình thoát nước như: cải tạo sông Kim Ngưu, sông Lừ, trạm xử lý nước thải Trúc Bạch, Kim Liên, trạm bơm Yên Sở; cải tạo hồ Phương Liệt, Khương Trung, Tân Mai...Chúng tôi có thừa năng lực thi công vậy mà vẫn bị loại một cách khó hiểu”.
Nếu so sánh giá dự thầu khi mở thầu và giá trúng thầu của CIENCO1 thì giá trị tuyệt đối chênh lệch là 9,12 tỷ đồng, tương đường với 10,72%. Trong khi đó theo quy định tại Điểm 4, Điều 45 Luật Đấu thầu thì trong trường hợp có sai lệch với tổng giá trị tuyệt đối lớn hơn 10% giá dự thầu thì phải loại bỏ hồ sơ thầu. Thế nhưng tại thông báo của Ban quản lý dự án thì nhà thầu này lại được chọn là điều rất khó hiểu.
Chưa hết, cũng chính trong quyết định 1917 còn có một nội dung là “quyết định này thay thế quyết định 1400/QĐ-SXD ngày 7-3-2013 của Sở Xây dựng về phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu số 6.3…”.
Đại diện một nhà thầu đặt câu hỏi: phải chăng gói thầu này đã từng có một kết quả khác nhưng rồi vì một lý do nào đó mà lãnh đạo Sở Xây dựng đã thay thế bằng quyết định 1917 ?
Chí Tùng