Lộ căn cứ do thám bí mật toàn châu Á

Ít ai có thể ngờ một đài do thám được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, nằm sâu trong vùng sa mạc hẻo lánh Outback của Australia lại chính là một trong những trạm thu thập thông tin tình báo lớn nhất của Washington, chuyên theo dõi các kho vũ khí và lực lượng quân đội đang phát triển mạnh mẽ của các nước châu Á.

Ít ai có thể ngờ một đài do thám được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, nằm sâu trong vùng sa mạc hẻo lánh Outback của Australia lại chính là một trong những trạm thu thập thông tin tình báo lớn nhất của Washington, chuyên theo dõi các kho vũ khí và lực lượng quân đội đang phát triển mạnh mẽ của các nước châu Á.

Mái vòm trạm phòng thủ tên lửa chung Mỹ - Australia ở Pine Gap. Ảnh AFP
Mái vòm trạm phòng thủ tên lửa chung Mỹ - Australia ở Pine Gap. Ảnh AFP

Được chính thức điều hành bởi những điệp viên của các cơ quan tình báo Mỹ, trạm vệ tinh Pine Gap đã tham gia vào một số cuộc xung đột lớn nhất thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, vai trò của nó trong các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan, vùng Balkan và cả trong cuộc săn lùng trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden vẫn ít được nhắc tới cho đến khi nhà phân tích tình báo David Rosenberg – người đã trải qua 18 năm làm việc tại căn cứ cách Alice Springs 20km về phía Nam - “vượt rào” kể lại trong cuốn sách mới đây của mình.

Theo tiết lộ của ông Rosenberg, từng được chính thức biết tới với cái tên “Cơ sở nghiên cứu vũ trụ quốc phòng chung” (Joint Defense Space Research Facility), Pine Gap là một trong những trạm thu thập thông tin tình báo lớn nhất của Washington, có nhiệm vụ ngăn chặn vũ khí và các tín hiệu thông tin liên lạc thông qua một loạt các vệ tinh quay quanh Trái Đất.

Dù Australia là nước cùng điều hành trạm vệ tinh này và được quyền truy cập vào tất cả các tài liệu bị chặn kể từ năm 1980, nhưng lịch sử thuộc về Mỹ của căn cứ này là vấn đề không cần bàn cãi. Cựu Thủ tướng Australia Gough Whitlam từng cáo buộc chính Mỹ là nước đã thúc giục chế độ quân chủ Anh sa thải ông ít lâu sau khi vị cựu Thủ tướng đe dọa sẽ đóng cửa Pine Gap vào năm 1975, dù một số vấn đề chính trị trong nước cũng góp phần dẫn đến việc phế truất ông này.

Pine Gap ban đầu được xây dựng như là một vũ khí trong cuộc chiến tranh gián điệp của Mỹ chống lại Nga. Căn cứ bắt đầu hoạt động từ năm 1970 này giờ đây đã trở thành công cụ trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu cũng như trong việc canh chừng sự bùng nổ quân sự của các nước châu Á. Tuân thủ thoả thuận bí mật suốt đời với Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), trong đó quy định được tiết lộ các thông tin mật cũng như hạn chế mức độ thông tin được tiết lộ trong khoảng thời gian làm việc tại Pine Gap, ông Rosenberg cho hay, Trung Quốc và Triều Tiên là một trong những mục tiêu mà căn cứ này nhắm tới.

“Tôi nghĩ rằng bất cứ nước nào có quân đội hùng mạnh hay là một nước sản xuất vũ khí lớn, sẽ luôn là tâm điểm chú ý của cộng đồng tình báo và Trung Quốc là một trong những nước đang phát triển một cách nhanh chóng trên phương diện này. Và đó là những sự phát triển mà chúng tôi quan tâm” – ông Rosenberg nói. Nhà phân tích tình báo cũng nói thêm, Ấn Độ và Pakistan cũng đã “rất được quan tâm” bởi Pine Gap hoàn toàn bất lực trước vụ thử hạt nhân đầy bất ngờ của New Delhi năm 1998.

Nửa cuối thời gian của Rosenberg ở khu căn cứ bí mật mà người dân địa phương chỉ biết đó là một “Trạm không gian” tập trung vào các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và nhất là các hoạt động của Al Qaeda sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Rosenberg nhớ lại ngày đen tối nhất trong sự nghiệp của mình và nói rằng tất cả các nhà phân tích đã ngay lập tức biết Al Qaeda chính là thủ phạm vụ tấn công đồng thời họ cũng nhanh chóng bắt tay tìm kiếm những manh mối về những việc có thể xảy ra tiếp theo với lo ngại các cuộc tấn công tương tự có thể sẽ còn tái diễn.

Rosenberg nói đó là một đòn thức tỉnh lớn cho cộng đồng tình báo – những người đã sớm nhận ra những dấu hiệu của vụ tấn công sắp xảy ra, nhưng lại thất bại trong việc xâu chuỗi các sự việc lại để có thể ngăn chặn được vụ khủng bố đẫm máu.

Nhà phân tích tình báo cũng khẳng định, Pine Gap đã đóng góp công sức không nhỏ trong sứ mệnh truy tìm và tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden của Mỹ ở Pakistan hồi tháng 5 vừa qua. Cũng trong cuốn sách của mình, Rosenberg xem “cuộc chiến trên không gian ảo” kiểu như các vụ tấn công mạng được chính phủ thông qua hay việc cho phát nổ một quả bom từ một nơi rất xa bằng điện thoại di động... như một mặt trận rộng lớn tiếp theo của cộng đồng tình báo.

Cuốn sách của Rosenberg đã được 3 cơ quan tình báo của Mỹ và một cơ quan của Australia kiểm duyệt đến 16 lần, với nhiều mục đã bị thay đổi, trước khi được xuất bản. Các quan chức quốc phòng cũng đã tịch thu và phá ổ cứng máy tính chứa những tư liệu mật của bản thảo gốc, nhưng Rosenberg nói rằng ông không hối tiếc đã tiết lộ sự thật và rằng ông thấy đó giống như là “một sự giải thoát cho bản thân”.

Hà Dung (Theo AFP)

Đọc thêm