“Lỗ hổng” quản lý du lịch mạo hiểm ở đâu?

(PLO) - Du lịch mạo hiểm (DLMH) là một loại hình phổ biến trên thế giới. Song một khi đã cho phép khai thác thì vấn đề quan trọng là sự kiểm soát các điều kiện về an toàn, từ trang thiết bị, những quy định và tiêu chuẩn bảo hộ cho đến trình độ, kĩ năng, tay nghề của hướng dẫn viên. Hơn hết, làm sao để vừa quản lý tốt, đảm bảo an toàn cho du khách, vừa thúc đẩy phát triển loại hình du lịch giàu tiềm năng này?
Cần có giải pháp tốt quản lý du lịch mạo hiểm.
Cần có giải pháp tốt quản lý du lịch mạo hiểm.

Quy định pháp lý rõ ràng

Vài năm gần đây, nhu cầu DLMH ngày càng tăng, đặc biệt từ du khách nước ngoài và những bạn trẻ thích trải nghiệm; khiến nhiều công ty du lịch không thể “ngó lơ” bộ môn này trong danh sách tour nhằm thu hút du khách.

Nhưng nhìn lại những vụ tai nạn chết người tại các điểm DLMH ở các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang, Lào Cai, Đà Lạt, Đà Nẵng…: từ câu chuyện nhà leo núi kinh nghiệm người Anh tử vong khi leo đỉnh Fansian (Sa Pa, Lào Cai) đến phượt thủ mất tích khi leo Tà Năng – Phan Dũng (Lâm Đồng) hồi tháng 5 và gần đây nhất vụ du khách Hàn Quốc tử nạn sau khi nhảy xuống thác nước chảy xiết, cao 20m (thác Datanla, Đà Lạt)..., thì có thể thấy DLMH là một mặt hàng du lịch giàu tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro và đỉnh điểm là những thiệt hại tới tính mạng con người – thứ không bao giờ có thể làm lại hay khắc phục được.

Sau tai nạn đáng tiếc của vị du khách Hàn Quốc, Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Khu du lịch thác Datanla Đà Lạt tạm dừng hoạt động các tour DLMH để kiểm tra, thẩm định mức độ an toàn và thời gian tạm dừng này chưa biết sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng thiết nghĩ, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời; vấn đề sâu sắc hơn cần đặt ra đó là làm sao để vừa quản lý tốt, đảm bảo an toàn cho du khách, vừa thúc đẩy phát triển loại hình du lịch giàu tiềm năng này?

Ở góc độ pháp lý, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017 đã dành Chương III đề cập “Biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của khách du lịch”. 

Cùng với việc định danh các hoạt động du lịch có yếu tố mạo hiểm, Nghị định đã đề ra nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn khi kinh doanh DLMH như: Phải có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan; có phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng cứu hộ và can thiệp, xử lý kịp thời các sự cố, bảo đảm giữ liên lạc với du khách trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm; bố trí sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp; phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch, hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách trước khi cung cấp sản phẩm; cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn.

Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của các thành phần tham gia cung cấp, quản lý hoạt động DLMH như: Tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh; Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố; đơn vị quản lý khu du lịch, điểm du lịch; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. 

...Nhưng vẫn có “lỗ hổng” 

Có thể thấy, trong Nghị định số 168/2017/NĐ-CP đã có những quy định rõ ràng về cách nhận dạng hoạt động DLMH, biện pháp phòng tránh và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Song, từ thực tế đang diễn ra cho thấy, nhiều doanh nghiệp, dù có thể đã biết luật nhưng vẫn thiếu nghiêm túc, vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của Nhà nước, cắt giảm quy trình, dụng cụ đảm bảo an ninh an toàn; đến lúc xảy ra những tai nạn chết người, cơ quan chức năng không thể lường trước để ứng cứu kịp thời, đưa ra phương pháp xử lý thỏa đáng.

Đáng nói, không nhiều doanh nghiệp lữ hành, tổ chức tour mua bảo hiểm DLMH cho du khách, mà chỉ mua dạng bảo hiểm thông thường để… cắt giảm chi phí. Khi có tai nạn xảy ra, các cơ quan bảo hiểm đều thấy “lúng túng” khi phối hợp giải quyết, đền bù thiệt hại.

Điều này có thể do Luật Du lịch vẫn chưa có quy định riêng về bảo hiểm DLMH cũng như không giới hạn mức đền bù tối thiểu cho bảo hiểm du lịch nên các doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa “ý thức rõ ràng” về vấn đề bảo hiểm cho du khách tham gia DLMH.

Từ góc nhìn quốc tế, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), những tai nạn chết người từ việc thiếu an ninh an toàn trong hoạt động du lịch sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch của đất nước trên các diễn đàn, cộng đồng du lịch trên thế giới.

Bên cạnh đó, theo Cẩm nang Hướng dẫn quản lý rủi ro trong du lịch (2006) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ghi rõ: việc đảm bảo an ninh an toàn trong du lịch là vấn đề chiến lược quốc gia quan trọng, cần sự phối hợp của không chỉ các cơ quan quản lý du lịch/du khách mà còn các cơ quan quản lý nhà nước khác về an ninh trật tự, hải quan, đối ngoại, y tế, xuất nhập cư, tư pháp, giao thông vận tải; cũng như hệ thống, hiệp hội các doanh nghiệp hàng không, vận tải, khách sạn, lữ hành, đại lý tour, phân phối, bán lẻ; các trung tâm nghiên cứu an toàn du lịch; nhóm người tiêu dùng và đặc biệt cần sự hợp tác với những tổ chức quốc tế.

Theo Hiệp hội Thương mại du lịch mạo hiểm toàn cầu (ATTA), trước khi đưa một mô hình DLMH vào vận hành, cần phải lên kế hoạch và thực hiện kiểm tra độ an toàn của khu vực cũng như hoạt động mạo hiểm, đặc biệt chú ý vấn đề khi có rủi ro xảy ra, các cơ quan chức năng như cảnh sát, y tế, bảo hiểm… sẽ phối hợp xử lý như thế nào, giao thông thuận tiện hay không. Bởi rủi ro luôn có thể thay đổi, do đó việc duy trì và cập nhật kế hoạch thực hiện, tập huấn xử lý rủi ro thường xuyên là tối quan trọng. 

Đảm bảo yếu tố an ninh an toàn trong kinh doanh DLMH không hề đơn giản, là trách nhiệm của cộng đồng, của quốc gia. Vấn đề mấu chốt không chỉ nằm ở vai trò quản lý, giám sát thực hiện, xử phạt nghiêm minh của các cơ quan chức năng tại địa phương và điểm đến du lịch; mà còn cần sự chấp hành nghiêm chỉnh của các công ty lữ hành, ý thức của du khách cũng như sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước khác, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, các tổ chức quốc tế liên quan.