Đà Nẵng và một số tỉnh thành đang xem xét phương án tổ chức thi học kỳ trực tuyến cho học sinh. Một số trường của các tỉnh, thành khác cũng thực hiện phương án này bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết các trường tại Hà Nội chưa có quyết định về tổ chức thi theo hình thức này nhưng nếu dịch kéo dài thì đây có thể là phương án tối ưu...
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, hầu hết ý kiến của giáo viên cho rằng, có thể xảy ra tình trạng gian lận nếu thi trực tuyến, bởi học sinh sẽ nhận được hỗ trợ từ phía phụ huynh khi làm bài.
Thiếu công bằng?
Theo bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội, thi học kỳ trực tuyến có thể gây khó cho phần lớn học sinh tiểu học, bởi các em không quen sử dụng máy tính, công nghệ mà cần có sự hỗ trợ của người lớn. Phụ huynh phải hỗ trợ các em làm bài và sẽ không có sự công bằng.
“Lớp 3, 4, 5 nếu thi sẽ phải có phụ huynh quay giúp, trong khi đó bài thi kéo dài 1 tiềng đồng hồ, nếu video dài cả tiếng như vậy các cô giáo cũng khó có thể nhận được. Đây chỉ là một trong nhiều lý do, chưa kể tại trường Tiểu học Xuân Phương có khoảng 15% các em học sinh không có máy vi tính để làm bài thi”, bà Lan cho biết.
Từ thực tế trên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương đề xuất: "Nếu có thể hãy xét tuyển cho các em học sinh lên lớp, bởi học sinh có học lực như thế nào, các cô giáo đều đã nắm được. Hoặc có thể, tôi đề xuất phương án luân phiên cho các khối đến trường thực hiện kỳ thi học kỳ, ví dụ trường tôi có 5 khối, nếu được phép thực hiện thì mỗi khối sẽ tổ chức 1 ngày, sẽ chia các em học sinh mỗi phòng 15 học sinh để làm bài thi”.
|
Bà Lê Thị Tuyết Lan – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương. Ảnh: NVCC |
Tại với Tiểu học An khánh B, Hoài Đức, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu thi trực tuyến chỉ môn tập đọc (Tiếng Việt) khả thi, còn lại các môn khác thao tác trên máy vi tính rất khó đối với học sinh. Hơn thế, không có camera giám sát cũng là điều khó khăn đối với nhà trường.
“Nhà trường còn thiếu về trang thiết bị và không thể giám sát được hết học sinh khi thực hiện thi học kỳ trực tuyến, có thể phụ huynh sẽ hỗ trợ, giúp đỡ các em khi làm bài thi. Đồng thời nếu thực hiện thi học kỳ trực tuyến, trường sẽ phải làm lại đề thi trắc nghiệm 100%”, bà Hoa cho hay.
“Hãy coi đây là cơ hội để các em vận dụng công nghệ”
|
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình |
Bà Trần Thị Lan Hương phụ huynh học sinh Trần Ánh Tú, lớp 4a6, trường Tiểu học Lý Thái Tổ
“Hình thức thi trực tuyến, dù tôi chưa biết sẽ tổ chức như thế nào, nhưng tôi ủng hộ, vì các cháu đã học hết chương trình nhưng vẫn phải học online chỉ để ôn tập những môn chưa thi. Bây giờ chỉ làm đề thi thử mà ngày nào các cháu cũng phải học 2 ca.
Về vấn đề có thể xảy ra gian lận trong thi cử khi tổ chức thi trực tuyến, tôi cho rằng cần sự giám sát và trung thực của cả phụ huynh và nhà trường. Đồng thời nhà trường cũng nên có hình thức ra đề thi hợp lý để các cháu chỉ có thể tập trung thời gian làm bài thi”.
Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, hiện tại các lớp từ lớp 1- 9 thuộc quận Ba Đình đa phần đã tiến hành kiểm tra học kỳ, chỉ khối lớp 5 còn 2 môn Toán và Tiếng Việt chưa kiểm tra học kỳ.
“Năm nay tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, chúng tôi cũng đang chờ chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nếu được sự cho phép của Sở GD&ĐT Hà Nội và Bộ GD&ĐT, phòng GD&ĐT quận Ba Đình sẽ chỉ đạo các trường triển khai kiểm tra định kỳ và cuối kỳ cho các em học sinh bằng hình thức trực tuyến có giám sát. Hiện, quận Ba Đình đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt kỹ thuật để hỗ trợ các em học sinh thi trực tuyến được tốt nhất”, ông Thuận chia sẻ.
Ông Thuận cho biết thêm, có nhiều đơn vị e ngại việc thực hiện hình thức thi này sẽ không đảm bảo tính công bằng, bởi rất có thể trong quá trình thi phụ huynh sẽ hỗ trợ học sinh… Tuy nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình khẳng định: “Với quận Ba Đình, việc thực hiện thi trực tuyến hoàn toàn khả thi. Và hãy coi đây là cơ hội để các em vận dụng công nghệ”.
Bà Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình, cùng quan điểm: “Trường không gặp khó khăn gì trong việc triển khai thi học kỳ trực tuyến, bởi học sinh từng tham gia chương trình “Đấu trường Toán học” do quận Ba Đình tổ chức, mỗi em học sinh có một mã số riêng, nếu triển khai trường đã chuẩn bị các phương án. Chúng tôi có phần mềm, các cô giáo đều đã nắm được hết. Nhưng cũng sẽ gặp khó khăn ở phần giám sát học sinh làm bài thi ở nhà”.
|
Bà Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành CôngB |
Mặc dù phương án thi học kỳ trực tuyến có thể là lựa chọn tối ưu khi tình hình dịch COVID-19 chưa ổn định, tuy nhiên theo bà Hạnh, phương án thi trực tuyến phải phụ thuộc vào thời gian, vì thế phải chọn lựa khoảng thời gian nào để phụ huynh hỗ trợ về trang thiết bị cho học sinh và hỗ trợ học sinh làm bài. Khi cho các học sinh làm bài thi ở nhà cũng cần đảm bảo không gian yên tĩnh, để các em tập trung làm bài.
“Tôi mong, nếu thực hiện thi học kỳ trực tuyến, các bậc phụ huynh đừng xem nặng về kết quả, thành tích mà vô tình tạo áp lực cho con. Và mong phụ huynh hiểu việc kiểm tra là để các thầy cô, giáo nắm bắt được quá trình học tập của các em, để có sự điều chỉnh, bổ sung kiến thức sao cho hợp lý”, bà Hạnh nhắn gửi.
Việc thực hiện thi học kỳ trực tuyến có thể là phương án tối ưu khi tình hình dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng đều ở nhiều ngôi trường thì có lẽ sẽ cần phải có một phương án “dài hơi” để giải quyết nhiều “khúc mắc” tại một số trường như hiện nay.
Khoản 2, Điều 6, Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/5/2021
“Kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực”.