Có mặt ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) sau 10 ngày chìm trong nước ngập, ba ngôi trường học trên địa bàn xã gồm: Trường Mầm non Nam Phương Tiến A, Tiểu học Nam Phương Tiến A, Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A cùng hệ thống sân trường và nền nhà các lớp học của khu tầng 1 cũng như nền nhà khu hiệu bộ, hệ thống cánh cửa đang bị ngập sâu trong nước.
Con đường từ đầu làng đến ngôi trường, vốn chỉ mất chừng vài phút đi xe máy, nhưng trong những ngày ngập, chúng tôi phải đi thuyền mất gần một giờ đồng hồ mới đến được trường.
Với những trẻ nhỏ trong xã dường như nước ngập là dịp để chúng được thỏa thích đùa nghịch bơi lội. Nhiều đứa trẻ được bố mẹ cõng lên cao lội bì bõm vượt qua dòng nước để vào nhà tỏ ra rất thích thú. Trái ngược với sự thích thú của chúng là những nỗi niềm, trăn trở lo lắng của các thầy, cô giáo cùng các bậc phụ huynh khi nghĩ về năm học sắp tới của các con.
Nhà có 2 con đang ăn học, một lên lớp 12, một lên lớp 8, gần hai tháng nay vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhu (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) tính toán chăm sóc thật tốt đàn gà hơn 4.000 con để xuất chuồng, hy vọng sẽ có khoản thu nhập từ đàn gà để mua sách vở và đóng học đầu năm cho các con.
Tuy nhiên, đợt ngập khiến nhiều con trong đàn bị chết, số còn lại không có chỗ nuôi nhốt nên việc chăn nuôi của gia đình rơi vào cảnh khó khăn. “Cả gia đình thu nhập chỉ trông chờ vào chăn nuôi, nước dâng cao đột ngột khiến gia đình tôi chẳng kịp trở tay. Cứ nghĩ sau khi bán đàn gà sẽ có tiền trang trải năm học mới cho các con nhưng thật chẳng ngờ được”, bà Nhu tâm sự.
Chia sẻ về thiệt hại đối với trường học do mưa ngập gây ra, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến A cho biết: “Trước khi nước dâng cao chúng tôi đã bố trí, chuyển bàn ghế, đồ dùng của trường lên nơi cao hơn, tuy nhiên mưa, ngập nhiều ngày làm mái tôn khu hiệu bộ bị nước dột, 30m2 tường bao của trường bị đổ, một số nơi bị dột làm bục mặt bàn,... nước trong trường vẫn ngập hơn một mét nên chúng tôi chưa thống kê được đầy đủ những thiệt hại”.
Nói rõ hơn về công tác dạy và học ở địa phương trong thời gian tới, ông Đỗ Đình Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến chia sẻ: “Lãnh đạo địa phương đang có kế hoạch sẽ có ý kiến đề xuất với UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện, đặt trường hợp đến thời điểm năm học nước không rút thì sẽ đề xuất phương án tập trung sẽ phải có ca nô, xuồng,... để đưa các cháu lên điểm học tại xã Tân Tiến để học nhờ, tạo điều kiện để cho các cháu có điều kiện theo học từ đầu năm để đảm bảo chương trình học. Tuy nhiên, phương án này cũng khó khăn bởi trường lớp trên điểm trường xã Tân Tiến cũng có hạn”.