Lo ngại về chủ nghĩa phát xít cực đoan mới

Cuối tuần qua, nhà chức trách Đức đã tiến hành một đợt cải tổ quan trọng trong nội bộ cơ quan tình báo, nhằm tăng cường lực lượng cho cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít đang âm thầm trở lại quốc gia này. 
 
Cuối tuần qua, nhà chức trách Đức đã tiến hành một đợt cải tổ quan trọng trong nội bộ cơ quan tình báo, nhằm tăng cường lực lượng cho cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít đang âm thầm trở lại quốc gia này. 
Sau vụ tấn công ngày 11/9 tại nước Mỹ, các cơ quan an ninh trên khắp thế giới dồn năng lượng vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và nước Đức cũng không nằm ngoài vòng quay đó bởi một số thành viên trong nhóm không tặc đã sống tại Hamburg.
Tuy nhiên, chính sự chuyển hướng này, theo như các ý kiến chỉ trích hiện đang bùng lên, đã dẫn đến sự lơ là trước những dạng bạo lực mới phát triển ngay trong lòng đất nước 82 triệu dân này, mà điển hình là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào phát xít mới. 
Lực lượng phát xít mới ở Đức
Lực lượng phát xít mới ở Đức
Dù cơ quan an ninh Đức luôn để mắt đến những nhóm phát xít mới thì các báo cáo đánh giá chính thức lại tuyên bố rằng mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cánh hữu là không đáng kể. Vì vậy, trong khi các nguồn lực đều tập trung vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thì chỉ trong vòng 7 năm, một nhóm nhỏ các phần tử phát xít mới đã thực hiện trót lọt 10 vụ giết người, trong đó có 9 người nhập cư, mà không bị phát hiện.
Cảnh sát cũng không mảy may nghi ngờ các vụ giết người này có liên quan đến các phần tử cánh hữu. Sự thực chỉ tình cờ được phanh phui sau khi một nhóm những phần tử phát xít mới bị bắt giữ trong một vụ cướp ngân hàng hồi năm ngoái. 
Việc đảm bảo giám sát chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và các mối đe dọa khác một cách cân bằng luôn được xem là khó khăn đối với bất kỳ nước nào trên thế giới, mà vụ xả súng ngày 5/8 vừa qua tại một ngôi đền thờ đạo Sikh ở bang Wisconsin của Mỹ là ví dụ mới nhất. Cảnh sát nói rằng, Wade Michael Page – kẻ đã giết chết 6 người trước khi tự tử chính là một phần tử phát xít mới.
“Tại Đức, các thể chế của chúng ta thậm chí còn không đưa chủ nghĩa khủng bố cánh hữu vào tầm ngắm của họ. Cả xã hội trong suốt 10 năm qua chỉ chú trọng đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhưng đó lại không phải là mối đe dọa cực đoan duy nhất mà chúng ta đang đối mặt”, ông Sebastian Edathy – một thành viên Quốc hội Đức, người đang dẫn đầu một cuộc điều tra vào các thất bại tình báo nói trong một cuộc phỏng vấn.
Sự lơ là trước nhóm khủng bố nguy hiểm này còn thể hiện rõ với việc cơ quan tình báo Đức năm 2006 thậm chí còn tiến hành cải tổ, sáp nhập cơ quan phòng chống chủ nghĩa cực đoan cánh tả và cánh hữu làm một để giải phóng lực lượng cho cuộc chiến chống Al Qaeda và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Trọng tâm tình báo được chuyển hoàn toàn trong báo cáo dài 473 trang của Văn phòng bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức – một cơ quan có chức năng tương đương FBI - khẳng định rằng “không có một tổ chức khủng bố cánh hữu nào được phát hiện”. Báo cáo này được công bố không lâu sau khi nhóm phát xít mới đã gây ra hàng chục vụ giết người bị phát hiện.
Trong tất cả các vụ giết người, cảnh sát ban đầu nói rằng các nạn nhân có thể là một phần trong một vụ tranh chấp ngầm giữa các băng đảng tội phạm Thổ Nhĩ Kỳ và truyền thông Đức thì gọi là những vụ giết người “Doener” – tên một loại bánh mỳ nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Động cơ phân biệt chủng tộc của nhóm này chỉ được làm rõ khi nhà chức trách phát hiện kho vũ khí tại nhà một phần tử phát xít mới ở phía Đông Nam nước Đức sau vụ cướp ngân hàng hồi tháng 11 năm ngoái.
Cơ quan tình báo Đức càng vấp phải sự chỉ trích kịch liệt hơn nữa khi họ không phát hiện được nhóm khủng bố dù các phần tử phát xít mới này sinh sống ở khu vực vốn là có thái độ thù địch với những người di cư và thái độ ủng hộ thời kỳ Đức Quốc xã vẫn chưa bao giờ chấm dứt. 
Đứng trước những chỉ trích từ người dân, giới chức Đức đã buộc phải xem xét lại các chiến lược an ninh của mình, trong đó tái tập trung vào chủ nghĩa phát xít. Hồi tuần trước, Đức đã cử ra người đứng đầu mới cho đơn vị có chức năng tương tự Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) để tiến hành cải tổ lại toàn bộ hệ thống thông tin tình báo, nhằm đối phó hiệu quả trước những nguy cơ từ các nhóm cánh hữu cực đoan.
Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích cho rằng, để chống lại những phần tử nguy hiểm này không chỉ đòi hỏi sự thay đổi của từ nhà chức trách hay nguồn lực lớn hơn mà cần phải có sự thay đổi từ tất cả hệ thống an ninh và cả ý thức cảnh giác của toàn xã hội.
Minh Ngọc (theo Washington Post)

Đọc thêm