Lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên hoạt động trở lại

Đã đồng ý đóng cửa các cơ sở tại khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon, nhưng mới đây, Triều Tiên tuyên bố sẽ điều chỉnh và tái khởi động tất cả khu vực nguy hiểm này.

Đã đồng ý đóng cửa các cơ sở tại khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon, nhưng mới đây, Triều Tiên tuyên bố sẽ điều chỉnh và tái khởi động tất cả khu vực nguy hiểm này.

Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA dẫn lời một người phát ngôn cơ quan năng lượng hạt nhân nước này cho hay, động thái nói trên được tiến hành để phù hợp với chính sách “củng cố lực lượng vũ trang hạt nhân cả về số lượng và chất lượng” cũng như là để giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng của nước này.

b
Tháp làm mát tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Ảnh: Internet

Hãng tin KCNA cũng tuyên bố việc tái khởi động các cơ sở hạt nhân sẽ được tiến hành ngay lập tức, không trì hoãn. Trong số các cơ sở tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon có một nhà máy làm uranium và một lò phản ứng hạt nhân 5 MW đã được đóng cửa theo một thỏa thuận đã đạt được trong các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên, Mỹ và 4 nước khác hồi tháng 10/2007.

Tuy nhiên, các kỹ sư của Triều Tiên được cho là đã chiết xuất được lượng pluton đủ để sản xuất ít nhất 6 quả bom.

Theo ông Siegfried Hecker – cựu giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos – người từng tới thăm các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nhiều lần, việc khởi động lò phản ứng hạt nhân sẽ mất khoảng 6 tháng, trừ khi Triều Tiên đã “lặng lẽ chuẩn bị từ trước”. Tuyên bố mới nhất của Triều Tiên được đưa ra sau khi Đảng lao động nước này nói rằng vũ khí hạt nhân là “sinh mệnh quốc gia”, không thể đem ra trao đổi, kể cả với giá “hàng tỉ USD”.

Trong một diễn biến có liên quan đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Hải quân Mỹ ngày 1/4 đã điều một tàu khu trục có trang bị hoả tiễn USS John S. McCain có khả năng bắn hạ tên lửa đến bờ biển phía Tây Nam bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã đưa hệ thống radar nổi SBX-1 tới khu vực gần bờ biển Triều Tiên. Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, việc điều tàu chiến và radar là nhằm giám sát các động thái quân sự của Triều Tiên, trong đó có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành các vụ phóng tên lửa mới.

Phản hồi về tuyên bố tái khởi động lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng, nếu đây đúng là sự thực thì đây là một động thái rất đáng tiếc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng đã bày tỏ rằng nước này lấy làm tiếc về hành động của Bình Nhưỡng.

Bảo An (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm