Thiếu tướng Trần Văn Niên (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo 2311) cho biết, lộ Vòng Cung lúc đó là “túi hứng bom”, là “tọa độ lửa”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn muốn biến nơi đây thành “vành đai trắng”, không cho các lực lượng cách mạng đứng chân để làm bàn đạp tấn công vào trung tâm đầu não của địch ở thành phố Cần Thơ.
Lộ Vòng Cung có từ thời kháng chiến chống Pháp là tuyến đường chạy dọc theo bờ sông Cần Thơ hình cánh cung bao quanh gần trọn nội ô TP Cần Thơ, bắt đầu từ cầu Cái Răng, đi qua các phường, xã của quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền và quận Ô Môn. Đây cũng chính là vành đai phòng thủ của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố giữ để bảo vệ cơ quan đầu não Vùng 4 chiến thuật và tiểu khu Phong Dinh đóng tại Cần Thơ. Địch đã đóng hàng trăm đồn bót, sử dụng không quân, pháo binh, kể cả máy bay ném bom, thậm chí còn rải chất độc hóa học.
Nơi đây, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ đã chọn làm điểm tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào TP Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu của địch trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – Năm 1968. Năm 2013, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích lộ Vòng Cung Cần Thơ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ cho biết, đã gần 50 năm qua, nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - Năm 1968 tại lộ Vòng Cung Cần Thơ, chúng ta thấy được niềm tự hào sâu sắc, đặc biệt là những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ cha anh đi trước. Trong đó, có bài học về sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nắm chắc tình hình, các chủ trương đường lối đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn và xây dựng tốt thế trận lòng dân tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.