Lo xa nên phải bồi thường

Trong những tiêu chí về nhà nước pháp quyền không chỉ có tất cả đều bình đẳng trước pháp luật và tất cả đều vô tội khi chưa bị toà án quyết tội mà còn cả tính công minh trong xét xử. Theo đó, xét xử phải đúng người đúng tội và sau khi đã chịu tội, người bị kết án không còn bị coi là có tội mặc dù là kẻ có tiền án tiền sự. Vì vi phạm một trong những tiêu chí đó mà Chính phủ Đức mới rồi bị toà án nhân quyền châu Âu tuyên phạt phải bồi hoàn 125.000 Euro cho ba kẻ bị kết tội.

Trong những tiêu chí về nhà nước pháp quyền không chỉ có tất cả đều bình đẳng trước pháp luật và tất cả đều vô tội khi chưa bị toà án quyết tội mà còn cả tính công minh trong xét xử.

Theo đó, xét xử phải đúng người đúng tội và sau khi đã chịu tội, người bị kết án không còn bị coi là có tội mặc dù là kẻ có tiền án tiền sự. Vì vi phạm một trong những tiêu chí đó mà Chính phủ Đức mới rồi bị toà án nhân quyền châu Âu tuyên phạt phải bồi hoàn 125.000 Euro cho ba kẻ bị kết tội. Nghe thật lạ lùng đến mức khôi hài, nhưng lại là chuyện có thật.

Chuyện như thế này: ba người ấy bị kết tội nhiều lần hiếp dâm, cưỡng bức tình dục trẻ em và xâm phạm thân thể người khác. Sau khi mãn thời hạn tù theo bản án đã tuyên, họ vẫn tiếp tục bị cầm tù bởi chính quyền Đức đánh giá họ sau khi ra tù vẫn là mối đe doạ chung cho cả xã hội.

Toà án Đức vận dụng bộ luật giam cầm để phòng ngừa như thế vốn có từ thời chính quyền Đức Quốc xã. Đến nay, bộ luật này đã được sửa đổi nhiều lần, nhưng mục đích vẫn như trước. Ba người này kiện lên tận toà án nhân quyền Châu Âu và được xử thắng cuộc.

Cách tiếp cận và lập luận của Chính phủ Đức và Toà án nhân quyền châu Âu rất khác nhau. Phía Đức viện dẫn trách nhiệm ngăn ngừa hiểm hoạ đối với người dân và xã hội trong khi toà án nhân quyền châu Âu lại viện dẫn nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Phạm tội thì bị xét xử và kết án, nhưng sau khi đã thụ án thì người bị kết tội phải được trả tự do. Xét xử và kết án trên cơ sở chứng cớ chứ không dựa vào đánh giá và suy diễn. Cho dù dư luận trên chính trường và trong xã hội Đức rất không đồng tình với phán quyết nói trên của toà án nhân quyền châu Âu, nhưng đồng thời cũng lại không thể bác bỏ tính hợp lý của phán quyết ấy.

Mọi bản án đều phục vụ trước hết cho việc trừng trị tội phạm, nhưng lại luôn đi cùng tác dụng răn đe và giáo dục. Tính nhân văn của pháp lý thể hiện ở chỗ luôn để mở mọi cơ hội cho kẻ phạm tội ăn năn hối cải và làm lại cuộc đời.

Mối lo xa của Chính phủ Đức trong những trường hợp phạm tội như vậy không có gì khó hiểu, nhưng không thể vì thế mà muốn làm gì ngoài khuôn khổ pháp luật cũng được. Vì lo xa như thế nên giờ Chính phủ Đức phải bồi thường. Và phán xử này của Toà án nhân quyền châu Âu tạo tiền lệ trong thực tiễn tư pháp ở nước Đức và châu Âu.

Mạc Thày

Đọc thêm