Loại bỏ hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử

(PLVN) - Thương mại điện tử đang đứng trước sự phát triển bùng nổ, đòi hỏi phải có chế tài cụ thể, dễ dàng để kênh phân phối buôn bán hàng hóa này không bị lợi dụng trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái một cách hợp pháp.
Cần quản lý chặt để tránh tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT. (Ảnh minh họa)
Cần quản lý chặt để tránh tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT. (Ảnh minh họa)

Giao dịch qua mạng xã hội đang phổ biến

Từ năm 2013 đến nay, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện Việt Nam có trên 59,4 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số, trong đó khoảng 44,8 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Thị trường TMĐT bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. 

Hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng, không chỉ trên máy tính, mà còn trên các thiết bị hiện đại khác như điện thoại thông minh, máy tính bảng; không chỉ diễn ra trên các website TMĐT, mà còn qua các ứng dụng trên nền tảng di động. Do đó, TMĐT đang dần trở thành hoạt động phổ biến của người dân. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới và có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân, TMĐT đang thể hiện vai trò ưu việt trong việc duy trì vận hành chuỗi sản xuất, kinh doanh, phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng. 

“Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh. Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; Hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước” - Thứ trưởng Hưng nói.

Đây chính là lý do để Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT bổ sung một số điều, trong đó đã thông qua 2 chính sách đáng chú ý, gồm quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và đặc biệt là điều khoản quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. 

Quản chặt các hình thức mua bán phi truyền thống

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, việc sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP phải khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 52 hướng đến đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động TMĐT; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT; không để TMĐT bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh việc xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài là có cơ sở pháp lý và thực tiễn. Bởi thực tế cũng có thể xảy ra tình trạng người mua ở Việt Nam mua hàng hóa của người nước ngoài trên sàn TMĐT hoặc trang mạng xã hội.

Dự thảo Nghị định bổ sung của Bộ Công Thương đã yêu cầu chủ sàn TMĐT Việt Nam chịu trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi cho phép đối tượng này tham gia mua bán hàng hoá trên sàn. Quy định này cũng giống như quy định xác nhận danh tính người bán nội địa trên sàn giao dịch TMĐT. Cẩn trọng hơn, dự thảo đã bổ sung quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ TMĐT. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ.

Dự thảo cũng quy định, nếu nhà đầu tư chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (chiếm thị phần từ 10% trở lên) theo danh sách của Bộ Công Thương thì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trước khi được tiến hành các hoạt động TMĐT.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 52 cần đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các mô hình phân phối hàng hóa, phương thức tổ chức TMĐT… Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về dịch vụ logistics trong việc cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

Nhận định TMĐT hiện đang rất khó kiểm soát, đặc biệt các giao dịch trên mạng xã hội, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị  trường (QLTT) dẫn lại sự việc kho hàng trên Lào Cai đã bị lực lượng QLTT phát hiện và thu giữ (cách đây 3 tháng) không hề có showroom, cửa hàng... Chỉ bằng phương thức livestream trên mạng xã hội đã thu về doanh thu 10 tỷ đồng mỗi tháng. Do đó, theo ông Minh, phải có cách triệt để để quản lý chặt chẽ phương thức bán hàng trên mạng xã hội nói riêng, trên TMĐT nói chung.

Đọc thêm