Loại trừ bạo lực trong thanh, thiếu niên

Những ngày qua, dư luận cha mẹ và học sinh phẫn cáo với một vi-đê-ô clip xuất hiện trên một số trang web và blog ghi lại cảnh một  học sinh bị một số bạn đánh đập, làm nhục giữa ban ngày.
 

Tình trạng đáng lo ngại

 

Những ngày qua, dư luận cha mẹ và học sinh phẫn cáo với một vi-đê-ô clip xuất hiện trên một số trang web và blog ghi lại cảnh một  học sinh bị một số bạn đánh đập, làm nhục giữa ban ngày. Với độ dài gần 1 phút, xen lẫn việc đánh bạn là tiếng chửi bậy của nữ sinh đang hành hung bạn, cổ vũ không ngớt và sự “vô cảm” chứng kiến của một số học sinh.

 

Sự việc trên chỉ là một trong số ít vụ việc các em học sinh đánh nhau, hành hung bạn bị dư luận phát hiện, lên án. Trên địa bàn thành phố nhiều người dân chưa quên vụ án “Cây xăng Đông Á” (quận Hải An) xảy ra hỗn chiến giữa hai nhóm gồm gần 40 thanh, thiếu niên sử dụng dao chọc tiết lợn, mã tấu, bi sắt,  chai  xăng tấn công nhau. Hậu quả 2 thanh niên bị chết, nhiều người bị thương. Sau khi điều tra, làm rõ, bắt giữ các thủ phạm, cơ quan Tòa án nhân dân tuyên án tử hình 1 tên đầu sỏ, 2 án chung thân và tù giam dành cho các tên khác. Ở vụ án khác, lực lượng công an kịp thời chặn đứng cuộc dàn trận, đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng gây phức tạp về trật tự trị an thành phố. Nguyên do, Vũ Khắc Duy, 24 tuổi, ở phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) cầm đầu một nhóm thanh niên gồm cả nam và nữ thuê nhà nghỉ Nam Ninh (quận Đồ Sơn) sử dụng ma túy tổng hợp. Đến sáng hôm sau, do ghen tuông, Phan Tuấn Anh, 20 tuổi, ở phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) cùng đồng bọn đến nhà nghỉ trên đánh nhau với nhóm của Duy. Hai nhóm thanh niên “bắt cóc” con tin, hẹn đánh nhau tiếp, thì lực lượng công an phát hiện, bắt giữ cùng hung khí dao, mã tấu. Ở cả hai vụ án đều có nhiều thanh, thiếu niên và học sinh.

 

Nỗ lực đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm

 

Theo báo cáo của Công an thành phố, trong năm 2009 , lực lượng công an  thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và trấn áp tội phạm, kiềm chế được phạm pháp hình sự, công tác đấu tranh mở rộng án, triệt xoá các ổ nhóm tội phạm đạt kết quả cao. Số vụ phạm pháp hình sự giảm 2,7% so với năm 2008; tỷ lệ điều tra phá án đạt 85,5%;  xác lập và xoá phá 79 chuyên án lớn, 66 ổ nhóm tội phạm, bắt 314 ; bắt 317 đối tượng truy nã (có 51 tên đặc biệt nguy hiểm). Lực lượng công an giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc nổi cộm , triệt phá các băng, ổ nhóm  phạm tội, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, cướp tài sản, trộm cắp xe máy đòi tiền chuộc, trộm cắp tài sản trong công sở, cắt trộm cáp điện thoại; đấu tranh với tội phạm ma tuý… có bước tiến bộ, triệt phá nhiều đường dây ma tuý lớn và nhiều điểm phức tạp ma tuý; ngăn chặn, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thác loạn, sử dụng ma tuý tổng hợp.

Khắc phục nguyên nhân bạo lực học đường

 

Qua điều tra, làm rõ các vụ án nghiêm trọng giữa các nhóm thanh, thiếu niên cho thấy, phần nhiều thủ phạm là những học sinh bỏ học, nhiều lần bị xử lý về bạo lực học đường, nhưng không có tiến bộ.  Điều đó cho thấy,  sự buông lỏng quản lý của gia đình, sự giáo dục của nhà trường còn có "khoảng trống", dạy những điều xa vời, trong khi một bộ phận học sinh này thiếu hụt trầm trọng kỹ năng sống, chưa biết ứng xử phù hợp với lối sống có văn hóa. Như vậy, để loại trừ các nguyên nhân phát sinh tội phạm trong thanh, thiếu niên, công tác phòng, chống bạo lực học đường không thể xem nhẹ. Mô hình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" đang từng bước xây dựng trường học an toàn,  rất cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho các em . Vì vậy, để hạn chế việc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt trang bị cho các em những kiến thức về kỹ năng sống, về giới tính, giáo dục để các em hiểu được nguyên nhân và hậu quả của việc vướng vào các tệ nạn xã hội, từ đó giúp các em có cơ hội học tập và làm việc, tránh bị bạn bè xấu lôi kéo... Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các chính sách pháp luật có liên quanđến công tácbảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mỗi gia đình cần quan tâm chăm sóc hơn đến con em mình, thật sự là chỗ dựa đầu tiên của các em, nhất là trong lứa tuổi vị thành niên. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các ngành, đoàn thể liên quan cũng như chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên, hạn chế nguy cơ phạm tội trong lứa tuổi này. Mặt khác, phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các trò chơi điện tử, games bạo lực trên  internet.

 

Thẩm Trung

Đọc thêm